Dạy học áp đặt: Khi thầy cô là… chân lý!

Dạy học áp đặt: Khi thầy cô là… chân lý!

11 05, 2015 tuyensinh89

Việc dạy học áp đặt, một chiều tạo ra những “người thầy chân lý”. Và khi người thầy luôn cho là mình đúng, trò nhất nhất nghe theo là cái nguy của giáo dục.

>> Một số phương pháp giáo dục hay cho giáo viên mầm non tham khảo

“Cô nói phải là…”

Có thói quen cùng con học bài nhưng mỗi lần gợi ý con nên thử thêm nhiều cách để giải quyết bài tập thì y như rằng, chị Nguyễn Minh Hảo (ở Gò Vấp, TPHCM) lại nghe cô con gái lớp 5 khăng khăng “Cô con nói phải thế này”.

Mới đây nhất, cháu tả bữa cơm gia đình theo cách soạn sẵn của cô giáo cho cô lớp, chị lợi ý: “Con thử tả bữa cơm nhà mình xem, nhà mình còn có cả bà nội, ngồi ăn cơm ở chiếu chứ không ngồi bàn”. Cháu không chịu, nhất nhất chỉ theo khung bài mẫu cô giáo đưa ra. Trong suy nghĩ của cháu, mọi cách khác đều là sai, chỉ theo cách của cô mới đúng.

Đọc thuộc lòng bài giảng của thầy cô là cách thức ôn bài quen thuộc của học trò.
“Cô nói phải làm thế này” là câu nói quen thuộc của mọi đứa trẻ trước một vấn đề. Một cách thức học tập điển hình của học trò ở mọi bậc học là cầm vở đọc thuộc từng câu từng chữ bài giảng của cô như một cái máy mà không cần tư duy, suy luận gì thêm. Kể cả không hiểu cũng được, miễn là thuộc là phần nào cho thầy việc dạy học còn rất nặng hình thức áp đặt từ thầy xuống trò. 

Thầy Huỳnh Văn Thế, giáo viên (GV) Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long cho rằng một số người thầy luôn có thành kiến là mình đúng nên ít bao giờ kiểm tra lại kiến thức và niềm tin bản thân. Hoặc vì tính sĩ diện nên họ ít khi nhận mình sai. Trong tiềm thức Á Đông, người thầy tin mình đứng vào hàng quân – sư – phụ nên trò nào nói ngược, nói khác sẽ bị xếp vào hàng chống đối”, “không cảm tình”, “hỗn láo”, “quậy”.

Người học quen với hình thức học cung cấp kiến một chiều và người thầy là chân lý. Các em như những bảo sao chép, lười tìm tòi, sáng tạo. Và một khi trò tin tuyệt đối vào mọi lời người thầy dạy, đó là nguy. “Nền giáo dục nghe lời chỉ đào tạo ra những phiên bản sao chép”, thầy Thế chia sẻ.

Một giảng viên ĐH môn Toán cho rằng giáo dục của chúng ta nặng về một chiều, áp đặt. Trò được mặc định thầy cô và sách luôn đúng đến mức có sai rành rành… vẫn là đúng. Đó cũng là lý do rất nhiều người “sùng bái” việc học thêm, tin rằng mọi điểm số từ thầy cô là biểu hiện toàn bộ năng lực của đứa trẻ.

“Đây cũng là sự khác biệt giữa giáo dục của ta và các nền giáo dục tiên tiến. Chúng ta thích những đứa trẻ nghe lời, nói gì biết nấy còn người ta cần những đứa trẻ có tư duy độc lập, biết hợp tác”, giảng viên này chia sẻ.

Áp lực của người thầy

Bên cạnh những người thầy bảo thủ, kiến thức hạn chế thì việc dạy học áp đặt của thầy cô còn xuất phát từ những áp lực về chương trình học, thi cử, thành tích. Ngay cả những GV có tư duy đổi mới, tôn trọng học trò vẫn gặp rào cản trong việc để các em thỏa sức vùng vẫy theo cách nghĩ của mình.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TPHCM chia sẻ ở nhiều môn học ở lớp 10, 11, GV có thể áp dụng nhiều phương pháp dạy học linh hoạt, thầy và trò rất thăng hoa trong môn học. Cách học năng động giúp ích cho các em rất nhiều khi vào đời nhưng đến lớp cuối cấp, để các em vượt qua các kỳ thi, GV không còn cách nào khác buộc phải “gò” các em.

Tôn trọng ý kiến của học trò cũng là một cách để người thầy học hỏi (Ảnh minh hoạ)
Tôn trọng ý kiến của học trò cũng là một cách để người thầy học hỏi (Ảnh minh hoạ)
Cô Nguyễn Thị Bạch Vân – GV cấp 2 ở Q.7, TPHCMcho rằng, cách thức giáo dục hiện nay của chúng ta thay vì giúp các em phát huy thế mạnh, sở trường của mình lại khiến các em trở thành những đứa trẻ biết vâng lời một cách mù quáng mà không biết sáng tạo, đưa ra ý kiến của mình.

Nhưng đôi khi vì lợi ích, mục tiêu trước mắt của các em, chính người thầy cũng không dám dạy học theo tư duy đa chiều. Không chỉ học trò bị bó buộc trong phương thức dạy học áp đặt, một chiều mà có thể nói người thầy vừa là nguyên nhân trực tiếp nhưng đồng thời cũng là nạn nhân.

Chủ trương đổi mới giáo dục chuyển từ việc dạy học chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò, nặng về kiến thức sang chú trọng hình thành năng lực và phẩm chất của người học có thể nói đánh trúng “huyệt” vào tồn tại lâu nay. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, tư duy của người thầy. Đòi hỏi người thầy phải học hỏi không ngừng, dám bứt phá, đổi mới… và hơn hết là dám thừa nhận khi mình sai.

Nhưng thực tế đáng lo ngại hiện nay là nhiều thầy cô cũng rất hạn chế khả năng tự học, lười thay đổi, thấy bằng lòng với kiến thức của mình từ trường sư phạm có thể tin dùng cho cả đời làm nghề. Và một khi tự trói buộc mình, không phát huy hết khả năng của bản thân thì người thầy càng dễ mang tư tưởng áp đặt “mình là chân lý” lên học trò.

Theo Dân Trí

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments