Những môn học ghi dấu kỷ niệm của thời học sinh

Những môn học ghi dấu kỷ niệm của thời học sinh

08 01, 2015 tuyensinh89

Những tấm hình vô tình các bạn chụp lại trong khoảnh khắc chúng ta vui đùa bên nhau, những nụ cười vô tự lự, hồn nhiên nhất của tuổi học trò trong những giờ học như thế sẽ mãi là kỉ niệm không thể nào quên với mỗi người. Chỉ những ai trong cuộc mới biết những môn “phụ” quý giá như thế nào trong đời học sinh.

Môn “phụ” lâu nay vốn vẫn được xem là những môn học ít tiết, không có trong các kì thi cử quan trọng như thi tốt nghiệp, thi đại học, hay không thuộc những môn xét điểm quan trọng để xét các danh hiệu HSG… Vô hình trung những môn này bị gắn mác là “phụ” nên ít được quan tâm hơn những môn khác. Thế nhưng chỉ có những bạn học sinh – người trong cuộc mới biết được, dù chỉ là môn “phụ” nhưng nó lại “quan trọng” như thế nào trong đời học sinh.
Gắn kết, lưu giữ kỷ niệm thời học sinh
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thích học những môn thể dục, quốc phòng hay học nghề: nấu ăn, sửa chữa điện, thêu… Bởi đây là những môn học ngoài trời, được vận động và thoải mái trò chuyện, vô tư chạy nhảy mà ít khi cần đến sách vở. Ngoài ra các thầy cô cũng thường chia nhóm để học và tập luyện cùng nhau. Cũng do đặc thù và tính chất môn học, muốn đạt được kết quả tốt, các bạn cần có sự phối hợp ăn ý và hiểu nhau như cầu lông, đá cầu, chạy tiếp sức…
Bạn sẽ cảm nhận được niềm vui, nụ cười hạnh phúc và những cái ôm nhau thật chặt khi mình cùng đồng đội hoàn thành phần thi chạy tiếp sức và đạt kết quả tốt. Bạn sẽ không ngần ngại mà nói lời cám ơn với người bạn đã cùng mình thi đấu bên kia sân… Tất cả khoảng cách trước đây dường như bị xóa bỏ. 
Bạn sẽ chẳng ngần ngại xắn tay áo lên để sẵn sàng chuẩn bị mọi thứ từ dầu ăn, nhặt rau, rửa rau, hì hụi chiên xào, luộc hấp, bày biện… trong những tiết học nghề của môn nấu ăn. Rồi các nhóm ríu rít như những chú chim non thử món do chính tay các bạn trong nhóm mình nấu, cùng nhau chia sẻ những món ăn mình làm được. Không còn khoảng cách giữa những bạn học giỏi với bạn học kém, giữa những bạn luôn được xem là học sinh gương mẫu với những “thành phần cá biệt”.
Môn học “phụ” có phải là “phụ” với học sinh? 1
Dường như sau những phút giây như thế chúng ta đã cởi mở tấm lòng với nhau hơn, thân thiết, gắn bó nhau hơn.
Những tấm hình vô tình các bạn chụp lại trong khoảnh khắc chúng ta vui đùa bên nhau, những nụ cười vô tự lự, hồn nhiên nhất của tuổi học trò trong những giờ học như thế sẽ mãi là kỉ niệm không thể nào quên với mỗi người.
Không có áp lực thi cử và điểm số, kiến thức nhẹ nhàng, thầy trò cùng trò chuyện
Những môn “phụ” thì thường cả thầy cô, bố mẹ và học sinh đều không quan trọng vấn đề điểm số nhiều. Kiểm tra miệng hay thi cử, thầy cô cũng nhẹ nhàng hơn. Cả tuần chỉ có 1 đến 2 tiết. Chính vì vậy mà thầy cô dễ tính hơn, khoảng cách thầy trò gần gũi hơn. Các thầy cô cũng có cơ hội về thời gian để chia sẻ về những bài học, những câu chuyện ý nghĩa với học sinh của mình. Bất kể là môn gì bạn cũng sẽ học được nhiều thứ trong đó. 
“Dù đã ra trường và trở thành sinh viên năm 3, dù là một học sinh khối A, nhưng tớ không bao giờ quên thầy giáo dạy Lịch sử năm lớp 12 với những câu chuyện về cuộc sống đời thực của thầy, trong suốt năm kháng chiến trường kì ác liệt với những người đồng đội đã hi sinh, với bài thơ “Hoa chanh” với những câu như “Hai chúng mình/Biết nhau từ thuở nhỏ/Nhà em bên nhà anh/Đường xóm ra vào chung ngõ nhỏ/… Nhà em có một giàn trầu/Lá tốt xanh trùm bể nước/Vườn bên anh lối vào ngõ trước/Hoa trắng ngần thơm một gốc chanh/… Hôm nay trở về một chân anh mất/Nhưng quê hương tất cả vẫn còn”. Thầy vẫn thường đọc cho cả lớp nghe. Mọi người thường nói, có những thầy cô càng giảng càng hay, nhưng riêng lớp tớ thì lại dành cho thầy một câu “thầy càng giảng càng “hăng” đúng như cái chất lính trong con người thầy vậy”. Chính vì thế, dù là môn không thi đại học của hầu hết các bạn lớp tớ, nhưng không một ai không cảm thấy hứng thú và yêu thích giờ dạy của thầy” – T. Huyền (SV ĐH Thương Mại) chia sẻ.
Môn học “phụ” có phải là “phụ” với học sinh? 2

Hay như: “Lớp mình là lớp chọn khối A của cả trường. Nhưng nhờ cô giáo dạy Văn suốt 3 năm cấp 3, mà các bạn không còn “ghét” môn Giáo dục Công dân nữa. Mỗi khi cả lớp ồn ào mất tập trung, tinh thần rệu rã không muốn học, thì cô cũng không ép chúng tớ. Cô liên hệ những tác phẩm văn học về cuộc đời cậu bé Hồng, về chị Dậu, về Lão Hạc… để kể về cuộc đời cô. Cô từng nói, cuộc đời cô có khi còn khổ hơn thế. Không biết cha mẹ ruột của mình là ai, bởi nhà quá nghèo, đông con, nên khi mới được 1, 2 tuổi đã bị đem bán cho nhà khác. Đến giờ thậm chí cô cũng không nhớ nổi anh chị em của mình. Lần lượt cô không biết mình đã qua tay hết nhà này đến nhà kia, đi ở cho không biết bao nhà, người tốt cũng có mà người xấu cũng không thiếu. Rồi cô tham gia dân quân, được đi học, trở thành giáo viên, giờ đây cô có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng mỗi khi nghĩ về cảnh ngày xưa, cô lại trào nước mắt. Cô vẫn luôn nói “các em bây giờ sướng hơn cô rất nhiều, vậy mà vẫn không chịu học, không biết thương bố mẹ. Cô kể ra như vậy không phải để tự hào mà chưa chắc các em đã tin nhưng để các em biết mà phấn đấu, chịu khó học tập” – H. Anh (Lớp 12-THPT Đào Duy Từ) nói.
Chính vì là những “môn phụ” nên thầy cô không lo học sinh học không theo kịp chương trình, giáo án hay kiến thức để phục vụ cho các kì thi nên nhiều thầy cô đã chuyển hướng dạy từ đọc chép sang hướng trò chuyện cởi mở, tâm tình cùng học sinh, giúp học sinh có thêm sự yêu thích với môn học hơn. Dẫu cho rằng, các thầy cô vẫn biết theo guồng quay, các em chẳng thể dành nhiều thời gian cho những môn “phụ” của mình hơn nữa, nhưng phần nào đó sẽ giúp cho học sinh không cảm thấy chán và ngán giờ dạy ấy. Phải chăng đây lại là lợi thế của các môn vốn bị coi là phụ để giúp thầy trò hiểu nhau hơn?
Ứng dụng vào đời sống nhiều hơn
Bất cứ môn học nào cũng có thể ứng dụng vào cuộc sống. Và theo nhiều học sinh môn phụ có thể áp dụng vào trong đời sống thực tế khá nhiều và ngay từ khi còn bé. Ví dụ như môn Công nghệ ngay từ cấp tiểu học đã dạy học sinh cách thêu thùa, may vá, làm những thứ đồ trang trí bằng giấy, bằng vải… Và các em có thể về nhà tự may váy cho búp bê làm các đồ vật tặng bạn bè. Lớn hơn chút nữa thì được học về cắm hoa, nấu ăn, sửa chữa điện…. 
Hay như môn Địa lý – một môn “phụ” của các bạn khối A. Chỉ cần bạn hình dung được bản đồ địa lý Việt Nam dọc từ Bắc vào Nam thì khi đi du lịch hay “chém gió” với mọi người, bạn có thể biết mình đang ở đâu, nơi đó có những cảnh đẹp gì? Bạn biết Mộc Châu ở phía nào? Những cánh đồng lúa chín ở Mù Cang Chải thuộc tỉnh nào nước ta? Dọc từ Bắc vào Mam có những bãi biển nào đẹp?… Hay đơn giản chỉ là  trên đường về quê bạn có thể biết mình sẽ phải đi qua những tỉnh nào để về nhà mình. Để đến khi bố mẹ có gọi điện hỏi, “con đi đến đâu rồi” thì có thể tự tin trả lời cho bố mẹ yên tâm thay vì câu “con cũng không biết mình đang ở đâu nữa?”.
Còn với những bạn chuyên học ban C thì thông qua môn Vật lý bạn có thể hiểu tại sao có cầu vồng? Tại sao lại ra sấm, chớp? Tại sao lại có mưa?…
Tạm kết
Thực ra môn chính hay môn phụ là do bản thân chúng tự đặt tên cho nó mà thôi. Với người này thì môn này là phụ, môn kia là chính. Nhưng với người khác, môn này lại là chính và môn kia lại là phụ. Nhưng một điều chúng ta không thể phủ nhận đó là như một cách rất tự nhiên, những môn vốn bị coi là không quan trọng lại đem lại cho ta những kiến thức và kỉ niệm rất quý giá trong đời học sinh.
Theo lethuy248/Trithuctre

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments