Giao “con mắt” của đất liền cho công ty nước ngoài – được ít, mất nhiều

Giao “con mắt” của đất liền cho công ty nước ngoài – được ít, mất nhiều

24 11, 2014 tuyensinh89

 Tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định: “Đèo Hải Vân được ví như “con mắt” của đất liền, để chúng ta quan sát ra vùng biển đảo của ta trên biển Đông. Tôi đã từng là người chịu trách nhiệm về an ninh quốc phòng ở Quân khu IV trước đây, tôi thấu hiểu được nguy cơ chia cắt. Nên khi nghe thấy Huế giao cho công ty nước ngoài vị trí đó 50 năm, tôi thực sự bàng hoàng, không hiểu sao họ lại quyết định chủ quan như vậy?”

Năm 2013, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đồng ý cấp phép gần 200ha đất ở khu vực đèo Hải Vân (nằm trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được Chính phủ phê duyệt năm 2008) cho Công ty cổ phần Thế Diệu (thuộc Công ty TNHH World Shine Hong Kong – Trung Quốc) để thực hiện Dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine – Huế, với tổng mức đầu tư lên đến 250 triệu USD, thời gian là 50 năm.

khu du lich World Shine
Dự án World Shine – Huế, được ít, mất nhiều

Trước đó, năm 2009, Thừa Thiên – Huế cũng đã cấp 100ha đất sát dự án trên cho Công ty TNHH MTV Bãi Chuối (Tổng Giám đốc là ông Lim Kam Lo, quốc tịch Canada, dân tộc Hoa) để xây dựng khu nghỉ dưỡng. Dự án này có vốn đầu tư là 102 triệu USD, thời gian là 50 năm.

Như vậy, cả hai dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng ở đèo Hải Vân được tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp phép đều là của công ty nước ngoài. Hiện Dự án World Shine – Huế đang “vấp” phải sự phản đối của nhiều nhà nghiên cứu về chiến lược an ninh quốc phòng.

Trao đổi với PV Dân trí, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X; nguyên Tư lệnh Quân khu IV – cho biết, khu vực đèo Hải Vân là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng với Việt Nam, cả trong thời bình lẫn thời chiến. Bởi trong chiến tranh khu vực này đã 2 lần bị chia cắt vào thời kỳ Trịnh – Nguyễn và thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1954 tại sông Bến Hải.

Tướng Nguyễn Quốc Thước
Tướng Nguyễn Quốc Thước

Tướng Thước cho biết: “Trong lịch sử khu vực đèo Hải Vân đã 2 lần bị chia cắt làm đôi. Năm 1954 tại sông Bến Hải, nhân dân khu IV hận thù lắm. Đến năm 1975 giải phóng Miền Nam thống nhất Đất nước. Có nghĩa là chúng ta phải mất 21 năm mới xóa được cái hận thù chia cắt đó. Vị trí đó rất hiểm yếu và xung yếu. Hiểm yếu là nó rất khó lấy, nhưng nếu kẻ thù ngồi vào vị trí đó rồi thì rất khó đuổi được ra. Nó nằm trung tâm của đất nước ta, rất quan trọng với an ninh quốc phòng. Nó được ví như “con mắt” của đất liền, để chúng ta quan sát ra vùng biển đảo của ta trên biển Đông. Tôi đã từng là người chịu trách nhiệm về an ninh quốc phòng ở Quân khu IV trước đây, tôi thấu hiểu được nguy cơ chia cắt. Nên khi nghe thấy Huế giao cho công ty nước ngoài vị trí đó 50 năm, tôi thực sự bàng hoàng, không hiểu sao họ lại quyết định chủ quan như vậy?”.

“Đèo Hải Vân, mà đỉnh cao của nó là Bạch Mã kéo dài ra phía đông khu vực mũi Cửa Khẻm, khu vực đang bị Huế “bán” cho nước ngoài 50 năm là địa bàn rất hiểm yếu. Nó rất dốc và hiểm trở, tại sao nước ngoài họ lại đổ tiền vào đó hàng triệu USD để làm du lịch? Đằng sau du lịch là gì chúng ta đã nghiên cứu, tính toán kỹ chưa? Sao không kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an ninh quốc phòng? Khu vực này nhất quyết không được giao cho bất kỳ người nước nào quản lý. Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng, tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quân khu IV cần vào cuộc ngay. Hành động dứt khoát chứ không có chuyện việc đã rồi mà cứ để cho làm, cấp phép rồi bằng mọi cách phải dừng ngay. Chứ không sau này rất khó gỡ ra được” – Tướng Thước nêu quan điểm.

Nói thêm về tầm quan trọng của vị trí chiến lược khu vực đèo Hải Vân, Trung tướng chia sẻ: Cách đây khoảng hơn 20 năm, Trung tướng Phan Hoan – nguyên Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu V có đề nghị với Đại tướng Đoàn Khuê – nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là giao vị trí khu vực đèo Hải Vân cho Quân khu V quản lý. Ông Thước đã đề nghị Quân khu IV và V phải ngồi lại với nhau để trao đổi về vấn đề này.

Ông Thước phân tích: Đèo Hải Vân không chỉ có giá trị bảo vệ cho Đà Nẵng, Quân khu V, Huế và Quân khu IV mà nó còn có ý nghĩa chống chia cắt đất nước ta, không được để xảy ra chia cắt như trước đó. Theo ông, đèo Hải Vân là nơi tiếp giáp giữa 2 Quân khu nhưng không được giao cho bên nào. Quân khu IV và V cần phải hợp sức để tổ chức hệ thống phòng thủ thật vững chắc cho khu vực đó, bảo vệ cho phía nam, phía bắc đèo Hải Vân.

“Đại tướng Đoàn Khuê có nói rằng, nguyên tắc khu vực tiếp giáp trong quân sự thì giao cho 1 bên đảm nhiệm. Nhưng 2 Quân khu phải hợp sức để bảo vệ khu vực này” – Tướng Thước nhấn mạnh về vị trí chiến lược của đèo Hải Vân.

Theo Nguyễn Dương / Dân Trí

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments