Theo các chuyên gia, ngành giáo dục cần có phương án đào tạo và đào tạo lại để làm sao coi hiệu trưởng cũng là một nghề.
Yếu trình độ, thiếu kỹ năng
TS Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, cho rằng quản lý giáo dục là nghề quản lý con người, rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế đa phần người được bổ nhiệm quản lý “hành nghề” rồi mới đi đào tạo. “Tỉnh Hải Dương có tới khoảng 80% hiệu trưởng các trường sau khi đề bạt rồi mới đi đào tạo năng lực quản lý. Đó là quy trình ngược, là nghịch lý”, ông Quốc nói.
Khi chưa được đào tạo mà lên làm quản lý, phần lớn các hiệu trưởng làm theo kinh nghiệm người tiền nhiệm. May mắn học được người tư duy tốt, hợp lý thì tốt nếu không trường lãnh hậu quả. “Vì thế mới có chuyện, có nơi, giáo viên không đủ tiết được phân công ra đứng cổng trường ghi học sinh đi học muộn”, ông Quốc nói.
Ông Quốc góp ý về sự cần thiết phải đổi mới, có giải pháp để cán bộ phải được đào tạo mới cân nhắc vị trí lãnh đạo. Sắp tới, có thể thi tuyển cả chức danh hiệu trưởng để mỗi cá nhân tự phấn đấu nâng cao năng lực. Tuy nhiên, TS Quốc cũng nêu ra cái khó khi cử người đi đào tạo trước, nếu sau đó không được đề bạt sẽ mất thời gian, tốn kém kinh phí cho cá nhân và nhà nước.
Ông Hoàng Văn Dương, Phó GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: “Cán bộ quản lý giáo dục vùng cao còn yếu hơn các tỉnh đồng bằng về phong cách làm việc, kỹ năng… Thậm chí có nơi, đề bạt giáo viên lên làm hiệu trưởng, họ còn không muốn làm nữa nên chất lượng càng yếu”.
Theo đánh giá, cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở, đặc biệt vùng cao, miền núi gần 100% chưa đạt chuẩn. Sở GD&ĐT các tỉnh đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cán bộ tuy nhiên vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, chưa lấp được lỗ hổng.
Coi quản lý là một nghề
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, quản lý giáo dục là yếu tố quyết định liên quan đến chất lượng giáo dục. Ông thừa nhận, mười năm trước, khi làm hiệu trưởng, ông làm theo kiểu học mót, mì ăn liền vì thiếu kiến thức. Vì thế, không ít lần ông lâm vào tình huống không biết xử lý sao cho hợp, cho đúng. Sau này khi về hưu có thời gian nghiên cứu, ông rút ra, làm quản lý phải có kinh nghiệm thực tiễn cộng với kiến thức đào tạo.
“Hiện, cả nước có 15 cơ sở đào tạo sau đại học về nâng cao chất lượng cán bộ quản lý giáo dục. Tài liệu bồi dưỡng cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu, trình độ của từng đối tượng.”
PGS.TS Nguyễn Kế Hào, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng thay sách mà giáo viên không được đào tạo và đào tạo lại thì chất lượng giảng dạy khó mà thay đổi được. Hiệu trưởng lại càng phải đi tiên phong trong việc đào tạo lại để nâng cao trình độ quản lý.Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hiện nay đội ngũ quản lý đã có sẵn. Vì thế, ngành giáo dục cần thiết nghĩ đến phương án đào tạo lại để làm sao coi hiệu trưởng cũng là một nghề. Hiệu trưởng ở cấp nào phải phấn đấu đào tạo ở một trình độ tương xứng với cấp đó. Người quản lý giáo dục giỏi trước hết phải giỏi chuyên môn, có nhân cách và biết cách dùng “quyền lực” cá nhân hay “quyền lực” địa vị trong từng trường hợp cụ thể. Cũng theo nghiên cứu, những người quản lý có chuyên môn giỏi thường được cấp dưới nể trọng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, hiện nay chương trình đào tạo Bộ giao cho các trường sư phạm. Duy chỉ có tài liệu bồi dưỡng cán bộ thì Bộ phê duyệt. Ông Hiển cũng thừa nhận, chương trình bồi dưỡng hiện nay chưa xuất phát từ nhu cầu của người học, chưa đáp ứng trình độ cho nhiều đối tượng.
Theo Tiền Phong