Đề án đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông: chủ trương có một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn có khách quan hay không, “có vừa đá bóng vừa thổi còi” hay không?
21 11, 2014 tuyensinh89
Về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK có làm rối hay không, chủ trương có một bộ SGK do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức biên soạn có khách quan hay không, “có vừa đá bóng vừa thổi còi” hay không.
Ngày 20/11, thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, các đại biểu đánh giá, đây là việc làm cần thiết để đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của đất nước trong điều kiện hội nhập. Tuy nhiên, về phạm vi của Đề án chỉ đặt ra nhiệm vụ, thiết kế đổi mới đối với chương trình và SGK là chưa thỏa đáng, chưa đề cập đầy đủ đến những yếu tố khác là phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện thành công chương trình mới giáo dục.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) tán thành với việc cần thiết phải ban hành nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông về chủ trương có một chương trình nhiều bộ SGK và chủ trương cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn SGK với những lý do như đề án, Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã nêu rất cụ thể.
Tuy nhiên, sau khi xem báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của các tổ về Đề án cho thấy còn có nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến đồng tình, có ý kiến còn băn khoăn cho rằng chưa cần thiết phải ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 40 năm 2000 của Quốc hội. Băn khoăn về chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK có làm rối hay không, chủ trương có một bộ SGK do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức biên soạn có khách quan hay không, “có vừa đá bóng vừa thổi còi” hay không.
Trong khi đó đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, việc Bộ GD-ĐT biên soạn SGK sẽ tạo ra nghi ngại về tính minh bạch và dư luận không tốt về động cơ của đề xuất này. “Tôi cho rằng Bộ nên tập trung nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình theo quy định. Do vậy, tôi đề nghị đề án chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ thiết kế, xây dựng một chương trình mới cụ thể hóa đúng, đủ mục tiêu giáo dục cùng với nó là các tài liệu hướng dẫn thực hiện chi tiết, đúng với thẩm quyền và trách nhiệm được giao cho Bộ GD-ĐT”, đại biểu Tâm nói.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần quy định rõ các điều kiện tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK để tránh tình trạng “trăm hoa đua” nở, lãng phí tiền làm sách, nhưng chất lượng kém, không sử dụng được. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ chủ thể tham gia biên soạn SGK là ai cho xã hội yên tâm. Đại biểu cho rằng, Đề án có ghi là huy động các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK là quá chung chung.
“Tôi nghĩ rằng nội dung và hình ảnh trong SGK là rất quan trọng. Việc khuyến khích tham gia biên soạn SGK là cần thiết nhưng cần tránh hiện tượng trăm hoa đua nở để tránh tình trạng sách được ra đời nhưng không đáp ứng được việc dạy và học. Vì vậy, cần quy định tiêu chuẩn tổ chức cá nhân biên soạn SGK đảm bảo vừa có trí tuệ và vừa có kinh nghiệm”, đại biểu Trang nói.
Trong khi đó, theo đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nhận định rằng nếu đến năm học 2018 – 2019 bắt đầu triển khai áp dụng SGK giáo dục phổ thông mới là gấp gáp và sẽ không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.Vì vậy, đại biều đề nghị vạch rõ lộ trình thực hiện. Quan điểm của đại biểu là cần rà soát xem những nội dung gì mà bộ SGK cũ còn sử dụng được thì tiếp tục kế thừa, các nội dung chưa hợp lý thì thay thế chứ không nên thay toàn bộ nội dung SGK một lúc vừa tốn kém vừa ảnh hưởng đến chất lượng.
Tuy nhiên khi chưa có bộ SGK hoàn chỉnh cần thống nhất về việc lựa chọn nội dung trong SGK hiện tại để làm tài liệu giảng dạy, khuyến khích các thầy có giáo sưu tầm tài liệu giảng dạy phù hợp với từng nội dung và thực tế của từng cơ sở giáo dục.
Trước ý kiến việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, thẩm định sách, có dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hay không, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, thực tế Bộ GD-ĐT chưa bao giờ tự viết SGK và cũng sẽ không trực tiếp viết SGK.
Việc viết SGK, biên tập chương trình là do các nhà giáo, nhà khoa học, các chuyên gia tham gia vào việc này. Còn Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện, lựa chọn nhân sự, tập huấn bổ sung thông tin cần thiết cho việc viết sách. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quá trình viết sách và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho nhóm viết sách.
Còn việc thẩm định sách là do một hội đồng bao gồm các nhà giáo, các nhà khoa học, chuyên gia (nhưng không tham gia vào việc viết sách) am hiểu lĩnh vực này do nhiều cơ quan giới thiệu. Đây là một hội đồng độc lập, không phải hội đồng gồm những cán bộ của Bộ GD-ĐT thẩm định sách do Bộ viết. Hội đồng này sẽ hoạt động theo quy chế riêng và có tiêu chuẩn cho những ai tham gia vào hội đồng. Còn Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ kết luận của hội đồng thẩm định để cho phép lưu hành bộ sách đạt yêu cầu.
Theo Quang Phong – Dân Trí