Hàng ngàn bình luận, chia sẻ quanh bức thư của cô gái gửi “bác Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT”
24 11, 2014 tuyensinh89
Bức thư của cô gái Việt ở Nepal gửi Bộ trưởng Giáo dục đang nhận được hàng ngàn bình luận, chia sẻ – thậm chí tranh cãi. Một nhà giáo, người viết sách nêu quan điểm: Nhiều điều Linh nói là đúng. Tất nhiên trong cái chê ấy có chuyện chưa đầy đủ, hiểu thấu đáo cũng là bình thường. Vấn đề là người lớn dù thấy nó chưa hoàn toàn đúng hoặc thậm chí sai cũng phải biết giật mình, nhìn lại…
Tranh cãi
Phản hồi với Mỹ Linh trên Facebook, một số ý kiến cho rằng quan điểm này là phiến diện, chưa hiểu hết tình hình thực tế Việt Nam.
Một giảng viên dạy ngoại ngữ cho rằng quan điểm này là phiến diện. Theo vị này: “SGK là phổ cập là sách chung cho các vùng miền trên cả nước. Nếu mang lên các vùng ngoại thành rồi các vùng núi, vùng sâu vùng xa liệu các cháu có thể tiếp thu được không, các cô giáo ở vùng miền đó có đủ để đáp ứng dạy không.
Ngay ở Hà Nội, nhiều trường mới chỉ có một giáo viên dạy tiếng Anh. Còn như trên vùng núi cao, ngoài chuyên môn dạy tiếng Anh các cô còn phải dạy nhiều môn phụ khác.
Vậy nên đừng lấy tiêu chí thành phố mà áp dụng cho một bộ sách giáo khoa toàn quốc”.
Bản thân là những người đi dạy bồi dưỡng giáo viên tiểu học các vùng miền, giảng viên này chia sẻ: Chính đội ngũ giáo viên tiếng Anh thậm chí ngay ở Hà Nội còn nói khối lượng kiến thức trong SGK mới khó hơn sách cũ, kiến thức xuyên suốt hơn và gần gũi với Việt Nam hơn.
Trong khi đó, một giáo viên tiểu học tại quận Ba Đình, Hà Nội thừa nhận: “Nội dung các bài học trong SGK tiếng Anh hiện còn quá đơn giản và đơn điệu, không gây hứng thú cho học trò”.
“Với SGK tiếng Anh tiểu học để nghĩ ra bài tập và hướng học sinh thích thú với tiết học là khá vất vả. Nhiều chỗ trong sách còn bị lỗi, thậm chí sai cả về ngữ pháp, rập khuôn, cấu trúc không thực tế hoặc không nhất quán” – một cô giáo tại quận Đống Đa, Hà Nội bổ sung.
Nguyên nhân dẫn đến điều này, ngoài những lí do vị giảng viên đã nêu theo các giáo viên còn do số tiết học tiếng Anh ở tiểu học hiện quá ít: một tuần 2 buổi.
“Trong bài viết của Linh không nói nhưng tôi tin với bài học như bạn nêu số tiết cho học trò Nepal không thể dừng lại ở con số 2 tiết/tuần như ở Việt Nam. Số học sinh/lớp ở Việt Nam cũng quá đông, không dễ để tiếp thu tốt bài học tiếng Anh. Tôi nghĩ nhiều khi các thầy soạn sách có muốn đưa nhiều điều vào bài học nhưng lại phải cân nhắc, giảm bớt kiến thức cho đủ thời lượng” – một cô giáo nêu ý kiến.
Một chuyên gia về giáo dục-người có kinh nghiệm trong viết sách cho học sinh tiểu học cho rằng những điều Mỹ Linh “chê” SGK tiếng Anh của Việt Nam là đúng. “Tất nhiên trong cái chê ấy có chuyện chưa đầy đủ, hiểu thấu đáo cũng là bình thường. Vấn đề là người lớn dù thấy nó chưa hoàn toàn đúng hoặc thậm chí sai cũng phải biết giật mình, nhìn lại”.
Phản hồi của Mỹ Linh
Bất ngờ trước bức thư được chia sẻ nhiều, Mỹ Linh cũng đã hồi đáp cho các luồng ý kiến khen, chê hay “bênh vực nền giáo dục Việt Nam”.
“Tôi biết nền giáo dục Việt Nam có nhiều yếu kém. Tôi cũng biết nó có nhiều bất cập. Đó là lý do khi tôi ý thức được, tôi hiếm khi cắp cặp lên giảng đường đại học. Đó là lý do tôi nêu ra chính kiến, chỉ lỗi sai của người soạn sách để gửi tới Bộ trưởng. Nhưng tôi không đổ lỗi tôi dốt English là tại Bộ trưởng hay tại giáo dục Việt Nam. Vì tôi không có thói quen đổ lỗi cho ai đó. Nếu có, tôi đổ lỗi cho chính mình trước”– Linh lên tiếng.
Tự nhận mình dốt tiếng Anh, Linh chia sẻ mình chọn và đã du lịch đến các nước trong khu vực, Ấn Độ và Nepal để học ngoại ngữ và hi vọng còn run khi nói chuyện với người nước ngoài vì kém ngoại ngữ.
“Năm 22 tuổi, công việc của tôi là viết báo, kiếm hợp đồng PR, viết văn viết thơ viết truyện, bán chữ để kiếm tiền. Mức thu nhập của tôi hàng tháng hơn 1000 USD. Đó là mức thu nhập không cao, nhưng đối với những người ở độ tuổi 22 – nhiêu đó cũng gọi là bằng lòng. Sau này, tôi có ý định mở công ty cung cấp rau sạch nên chuyển việc sang ngân hàng.
Và rồi tôi từ bỏ tất cả để đi. Vì tôi thấy mình dốt English quá. Tôi mong được đi du học để cải thiện English mà du mãi không được. Nên cuối cùng tôi chọn phương pháp du lịch để học. Tôi đánh đổi số tiền tiết kiệm bao năm để đi. Tôi đánh đổi chuyện mất việc để đi”.
Cô bạn thẳng thắn: “Các bạn muốn tiến bộ thì phải tự mình thay đổi bản thân. Các bạn muốn chỉ trích ai thì hãy chỉ trích mình trước. Các bạn muốn người ta thay đổi thì phải thay đổi bản thân mình trước. Đừng đỗ lỗi cho bất cứ ai, khi mà chính bạn không làm chủ được cuộc đời bạn”.
Theo Đăng Duy / Vietnamnet