Nhộn nhịp “sàn chứng khoán” xét tuyển trước giờ G

Nhộn nhịp “sàn chứng khoán” xét tuyển trước giờ G

20 08, 2015 tuyensinh89

Chăm chú theo dõi, lắng nghe thông tin, thậm chí hỏi cả các chuyên gia tư vấn để quyết định nộp hay rút đơn. Đó là tình trạng thực tế vào những phút cuối cùng của đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ. Giờ đây phòng họp lớn của nhiều trường dường như đã biến thành “sàn chứng khoán”.

Ngay từ sáng sớm hôm nay 20/8, Trường ĐH Công đoàn đã nhộn nhịp thí sinh đến xin làm thủ tục rút và nộp hồ sơ. Hội trường lớn luôn mở rộng cánh cửa đón thí sinh nhưng thông số của “sàn giao dịch” thì gần như không có thông tin. Chỉ vài bảng thông báo về ngành xét tuyển và điểm chuẩn các năm trước. Trên website của trường thì có danh sách thí sinh nộp hồ sơ nhưng không đưa ra điểm chuẩn dự kiến tạm thời. Thiếu thông tin nên các bậc phụ huynh và thí sinh rơi vào trạng thái hoang mang không biết rút hay nộp hồ sơ.

cd-20082015-9f4fb
Sinh viên tình nguyện ĐH Công Đoàn đang dùng điện thoại tìm kiếm thông tin tư vấn cho thí sinh

Phụ huynh tên Vĩnh (Quảng Ninh) chia sẻ: “Con thích học Kế toán nhưng với điểm số là 21 nên hết cơ hội vào Học viện Ngân hàng. Đắn đo một hồi, gia đình quyết định đưa cháu lên Hà Nội rút hồ sơ để nộp vào ĐH Công đoàn”.

Ánh mắt mệt mỏi sau chặng đường dài, ông tiếp tục than thở: “Bên này chẳng có thông tin về điểm chuẩn dự kiến theo từng ngày nên chẳng biết mình có cơ hội hay không. Hỏi cán bộ tư vấn cũng không có thêm thông tin gì. Cháu nhà lên mạng thấy mọi người bàn tán với mức điểm đó có thể đỗ vào ngành Kế toán của ĐH Công đoàn nên quyết liều nộp vào”.

Đồng cảm xúc, cô Hương nhà ở quận Ba Đình (Hà Nội) vẫn thẫn thờ chưa quyết nộp và chờ đợi đến cuối giờ chiều mới ấn định vào ngành nào của trường.

cd1-20082015-96644
Thiếu thông tin nên nhiều thí sinh đành đánh liệu nộp vào ĐH Công Đoàn

“Do chưa biết mức dự kiến điểm chuẩn và vệc trường này trộn lẫn thí sinh các khối với nhau nên dù đã mang hồ sơ đến Trường ĐH Công đoàn nhưng cũng chưa thể quyết được. Gia đình mình ở gần đợi đến cuối coi tình hình thế nào rồi quyết” – cô Hương tâm sự.

Nếu như “sàn chứng khoán” của ĐH Công đoàn thiếu thông tin thì trái lại ở Học viện Ngân hàng, các thông số đều được hiển thị chi tiết. Nhiều bậc phụ huynh luôn dán mắt vào màn hình chiếu để nghiên cứu khả năng trúng tuyển của con em mình. Hội trường chứa trăm người thì phụ huynh chiếm đến gần một nửa.

hv-20082015-4dd53
Hội trường lớn của HV Ngân hàng đã biến thành một “sàn chứng khoán” thực thụ

Thông tin rõ ràng là thế nhưng mỗi khi thấy cán bộ nhà trường trao đổi, tư vấn với một ai đó thì phụ huynh nào cũng đổ dồn, quây kín.

“Thời điểm này thông tin rất quan trọng nó quyết định đến việc trúng hay trượt. Thu thập nhiều thông tin thì sẽ có cái nhìn toàn cảnh hơn” – phụ huynh tên Nam hóm hỉnh chia sẻ.

Thấy chúng tôi trao đổi với TS Trần Mạnh Dũng – Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, hàng chục phụ huynh vây quanh khẩn khoản đề nghị: Trường công bố một lần điểm chuẩn dự kiến ngày 20/8 để chúng em còn quyết nộp hay rút.

hv1-20082015-c08da

Phụ huynh chăm chú theo dõi mức điểm biến động để quyết định rút hay nộp hồ sơ.

Trước đề nghị chính đáng của phụ huynh, Trưởng Phòng Đào tạo đành phải gật đầu. Ông tâm sự: “Biết làm như vậy thì chúng tôi rất vất vả. Nhưng để các bậc phụ huynh biết con trượt mà không rút hồ sơ thì chúng tôi cũng áy náy lắm”.

Tâm tư thêm về việc xét tuyển năm nay, TS Dũng bày tỏ: “Thời gian xét tuyển kéo dài quá, trường cũng mệt mà thí sinh cũng khổ lây. Thôi thì năm tới nên rút ngắn lại và tính đến việc cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển qua mạng”.

“Việc cho quá nhiều nguyện vọng để tạo điều kiện thí sinh điểm cao không trượt đại học là tốt. Nhưng chúng ta cũng phải tính đến việc các em theo học có phải vì niềm đam mê hay có năng lực hay không? Cứ rút ra, nộp vào và cuối cùng trúng tuyển lại không thích học thì lại còn lãng phí hơn” – TS Dũng chia sẻ.

Theo Nguyễn Hùng / Dân Trí

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments