“Nước ta thiếu gì những chính khách liêm khiết, giàu lòng thương dân”

“Nước ta thiếu gì những chính khách liêm khiết, giàu lòng thương dân”

02 03, 2015 tuyensinh89

“Không thể vơ đũa cả nắm bởi tôi thấy lãnh đạo của ta từ thấp đến cao có rất nhiều đồng chí giản dị, chân thành, hòa vào với dân”.

Gần đây, dư luận xôn xao trước chuyện một quan chức Việt có lối hành xử bị đánh giá là “thô lỗ” trước mặt nhiều người. Đây không phải lần đầu chuyện như vậy xảy ra. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, một bộ phận quan chức, lãnh đạo nước mình thường tỏ ra quan cách, xa rời dân chúng.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. NGƯT Phạm Xuân Hằng, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học – xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, một bộ phận quan chức, lãnh đạo thường tỏ ra quan cách, xa rời dân chúng. Ngồi xem đá bóng, xem biểu diễn nghệ thuật lúc nào cũng phải chỗ vip, đi đâu cũng “tiền hô hậu ủng” tùy tùng, thư ký, trợ lý, còi ủ, xe dẫn đường ầm ĩ, trông hãnh tiến và thiếu sự thân thiện, chân tình. Lập ngôn thì trái ngược hẳn với hành động. Ông/bà có nghĩ vậy không?

PGS.TS. NGƯT Phạm Xuân Hằng (Ảnh: VNN)

PGS.TS. NGƯT Phạm Xuân Hằng: Tôi nghĩ không thể trả lời thẳng câu hỏi của bạn được. Thứ nhất, nếu là lãnh đạo đất nước được mời xem bóng đá, xem biểu diễn văn nghệ mà khi đến tìm chỗ mà ngồi, e rằng người mời không ai làm thế. Ngay khách đến nhà ta (dù ta mời hay khách tự đến), ta cũng mời ngồi vào nơi lịch sự nhất của nhà ta, chứ có để khách tìm chỗ ngồi đâu. Không nên khắt khe thế. Mà theo tôi, ngồi hàng đầu xem văn nghệ thì đó chưa phải chỗ tốt để thưởng thức nghệ thuật đâu.

Còn nếu nói “đi đâu cũng “tiền hô hậu ủng” tuỳ tùng, thư ký, trợ lý, còi ủ, xe dẫn đường ầm ĩ, trông hãnh tiến và thiếu sự thân thiện, chân tình”, thì tôi chưa thấy cảnh huyên náo, ầm ĩ thế bao giờ, ngay cả khi ta đón các nguyên thủ nước ngoài trên đường từ sân bay về trung tâm Hà Nội. Chỉ thấy đoàn xe con dài, có xe công an dẫn đường, được vượt đèn đỏ. Đoàn xe ca đưa đón Đại biểu Quốc hội ra nghị trường, về khách sạn cũng có xe công an dẫn đường, được vượt đèn đỏ theo quy định.

Đáng trách là trường hợp, có người sắm còi ủ khi bản thân không có tiêu chuẩn ấy. Chắc để vừa đi nhanh, vừa ra oai chăng. Qua truyền hình kênh thời sự, tôi thấy cũng có các vị lãnh đạo của ta tự cầm ô che mưa. Nhân đây, xin kể chuyện chiếc ô: Khi Bác về quê Nghệ An, đứng nói chuyện với nhân dân giữa buổi sang nắng gắt, Bác được một cán bộ địa phương mang ô đến che nắng. Bác quay lại hỏi: “Chú có đủ ô để che cho tất cả bà con đứng kia không?”. Anh cán bộ địa phương hiểu ý Bác, lẳng lặng hạ, cụp ô lại, đứng bên Người. Tư tưởng sướng cùng dân, khổ cùng dân của Bác bắt nguồn từ chuyện “chú có đủ ô …không?”. Minh triết Hồ Chí Minh giản dị, dễ hiểu, dễ theo là thế. Ai không theo được việc nhỏ thế, thì đâu có phải sống cùng dân, vì dân.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: Không thể vơ đũa cả nắm bởi tôi thấy lãnh đạo của ta, thậm chí lãnh đạo cấp cao có rất nhiều đồng chí giản dị, chân thành, hòa vào với dân. Chẳng hạn, khi họ đi vi hành, họ cũng giản dị như bao người dân khác chứ không có gì khác biệt. Hay các đồng chí được thăng chức vẫn đi xe cũ như các đồng chí ở vị trí thấp hơn…

Tuy nhiên, đúng là có một bộ phận hống hách, xa dân. Việc ngồi ở chỗ vip, đi đâu cũng có tùy tùng, còi xe inh ỏi… hoàn toàn mang tính hình thức chứ không có nội dung. Sở dĩ họ như vậy là vì họ không nhận thức được rằng họ trưởng thành từ dân và chính dân nuôi họ trưởng thành. Cũng có thể họ lên bằng cách nào đó nên mới có thái độ không đúng như thế. Họ tưởng rằng lên được vị trí đó là có quyền hành dân thay vì phục vụ dân.

Nên nhớ đi buôn thì khách hàng là thượng đế, còn nếu đã là công bộc thì dân là người nuôi dưỡng mình, tạo điều kiện cho mình phát triển. Làm sao có thể đối xử với họ như thế được?!

Người ta cũng cho rằng làm lãnh đạo không chỉ cần năng lực điều hành công việc, mà cần thể hiện tác phong gần gũi và thuyết phục. Không hề hình thức mà những tác phong đó thể hiện chức phận “đầy tớ” của dân. Hống hách, quan cách chỉ có ở những vị coi việc làm quan là để oai phong, thu hái bổng lộc, tiến thân, mà quên đi bổn phận, trách nhiệm của mình. Rồi có người so sánh, ở nhiều nước, giới lãnh đạo luôn hành xử, lập ngôn một cách rất chuẩn mực phù hợp với chức phận của mình, không lên gân, không tỏ ra “khác biệt”…

Quan điểm của ông/bà về vấn đề này như thế nào? Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa quan chức và người dân thưa ông/bà?

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Ảnh: VNE)

PGS.TS. NGƯT Phạm Xuân Hằng: “Hống hách, quan cách” đâu phải tố chất đạo đức, văn hóa của “công bộc”, đấy là bản chất của “quan tham”. Những tố chất cơ bản đòi hỏi người lãnh đạo các tổ chức, theo tôi, ít nhất là: Tự trọng để tôn trọng người khác; Trung thực với chính mình để trung thực với dân, với nước; biết lắng nghe những lời “nghịch nhĩ”, vì đó thường là “trung ngôn”; Có khát vọng vì con người, cho con người; không vụ lợi, biết “dĩ dân vi thượng”; nói đi đôi với làm, mà nên nói ít, làm nhiều; bám sát thực tiễn để nắm bắt hơi thở của cuộc sống mà hoạch định chính sách trong phạm vi lãnh đạo của mình. Đó cũng là kỹ năng lãnh đạo cần bồi đắp bằng thực tiễn cho những ai thuộc diện lãnh đạo, quản lý. Điều tối kỵ là sống ngoài nhân dân, trên nhân dân. Có thế mới không vô cảm với dân, với nước được.

Sao cứ phải ở nước ngoài nhỉ? Chỉ tính vài chục năm qua, ở nước ta thiếu gì những chính khách liêm khiết, giàu lòng thương dân, biết “dĩ dân vi thượng”.

Còn bạn hỏi: “Làm thế nào để quan chức Việt có tầm vóc của một chính khách”?, thực ra tôi cũng đã nói ở trên rồi, nhưng ngắn gọn lại là, hãy giản dị, bao dung, sống giữa nhân dân, sống cho dân như Hồ Chí Minh, thế là thành chính khách khi được ngồi vào ghế chính khách.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: Đúng vậy. Nhiều lãnh đạo cấp cao, được giao trọng trách lớn, họ có thế đâu. Cử tri nói với tôi rằng nhiều khi gặp lãnh đạo cấp cao còn thích hơn gặp cấp thấp vì họ lịch sự hơn. Có những đồng chí cấp rất bình thường, nhưng lúc nào cũng tỏ ra oai phong. Có vẻ như họ làm vậy vì họ háo hức những thứ họ không bao giờ có được.

Khi điều hành công việc, hai đối tượng quan chức – người dân có chức trách khác nhau. Không thể rút ngắn khoảng cách ấy được. Khi sống thì có thể gần nhau, còn khi tổ chức công việc phải hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn một người ra lệnh, những người khác phải thi hành.

Để có tầm vóc của một chính khách, trước hết bản thân họ phải tự rèn luyện. Ngoài ra, khâu tuyển chọn, đề bạt, đào tạo cán bộ cũng phải tốt. Cán bộ phải giỏi chuyên môn để khi dân hỏi họ không luống cuống. Cùng với đó, tổ chức, dân cũng phải giám sát cán bộ chặt chẽ. Sai là phải xử lý luôn.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. NGƯT Phạm Xuân Hằng và Đại biểu Bùi Thị An!

Theo Phong Nguyên / giaoducvietnam.vn

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments