Vì sao thủ khoa xuất sắc vẫn trượt công chức ở Hà Nội?
06 05, 2015 tuyensinh89
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói: “Thi công chức như ta từng làm chưa chắc đã chính xác, khó tìm được người giỏi”.
Mới đây, Sở Nội vụ TP.Hà Nội công bố kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức thi trượt trong kỳ tuyển dụng công chức TP.Hà Nội năm 2015.
Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, 30/63 thí sinh thuộc diện được đặc cách xét tuyển đã không qua được kỳ sát hạch. Điều đáng nói, trong số 30 người không đạt, 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, kỹ thuật hóa học và ngữ văn. Số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài.
Nội dung kiểm tra, sát hạch công chức bao gồm kiến thức về công vụ, công chức; kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành; vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành vào thực tiễn công tác ở vị trí việc làm nếu được tiếp nhận; kỹ năng thuyết trình, tổng hợp và soạn thảo văn bản.
Cách thi trái khoáy
Trao đổi với phóng viên, GS Huỳnh Hữu Tuệ, giảng viên Trường Đại học Laval (Canada) cho biết, cách thi tuyển công chức của Sở Nội vụ Hà Nội không phù hợp với kiến thức được đào tạo của thí sinh.
Ông Tuệ lý giải, những thủ khoa xuất sắc trong nước và ở nước ngoài đều được đào tạo bài bản, trong khi thi công chức lại thi cả luật hành chính, công vụ không liên quan đến kiến thức chuyên môn.
“Cách thi này hơi trái khoáy, vẫn theo kiểu hình thức”, GS Tuệ bày tỏ.
Theo ông Tuệ, thi công chức tại Việt Nam, thí sinh vẫn phải biết guồng máy tổ chức Nhà nước và guồng máy của cơ quan sở tại (guồng máy hành chính). Nếu thí sinh không quan tâm, chắc chắn sẽ trượt. Do đó, thay vì thi công chức, nên để những thủ khoa tập sự, thử việc. Trong quá trình làm việc, họ sẽ biết các điều luật của cơ quan sở tại mà không cần phải thi.
GS Tuệ cho rằng: Thi trượt không có nghĩa là kém về chuyên môn, mà chưa đọc tài liệu về guồng máy hành chính của cơ quan sở tại đó. Nếu thủ khoa xuất sắc vẫn thi trượt nên phê bình những nơi không biết cách lựa chọn tuyển dụng. Ngoài ra, nếu người có năng lực vẫn thi trượt chỉ có thể do bất cẩn không quan tâm đến bộ máy hành chính, hoặc cách thức thi công chức quá cứng nhắc nên thí sinh sẽ trượt.
Theo GS Tuệ, tuyển người giỏi khác với người thích hợp với guồng máy hành chính. Nơi nào có chất lượng nhân sự vẫn phải kết hợp cả hai yếu tố này. Nếu thấy cần thiết phải thi công chức nên tổ chức thi riêng cho người đó. Các thủ khoa thi về điều lệ, thủ tục hành chính là hơi trái khoáy.
“Nếu thực sự nhà tuyển dụng muốn có người giỏi vào làm việc có thể chỉ cách học cho các em thi vào công chức”, GS Tuệ chia sẻ.
Theo ông Tuệ, những cử nhân xuất sắc ở nước ngoài về thi không nên “sốc”, bởi đã trở thành thủ khoa phải giỏi chuyên môn thực sự. Không ai có thể dựa vào các môn thi hành chính công vụ để đánh giá trình độ.
Ông Tuệ cũng cho biết, ở nước ngoài thi công chức không thi các môn công vụ hành chính. Họ chỉ cần dựa vào bằng cấp và vượt qua vòng phỏng vấn về kiến thức, tâm lý là có thể đỗ công chức.
Chưa chắc chính xác
Bày tỏ quan điểm của mình, GS.TS Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Thăng Long cho biết, tuy gần một nửa thủ khoa xuất sắc trượt công chức ở Hà Nội nhưng ông không ngạc nhiên.
Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Thăng Long lý giải, thí sinh giỏi chuyên môn là một chuyện, còn kiến thức, kỹ năng về hành chính – công vụ lại là chuyện khác. Tuy nhiên, 30/63 người thi trượt công chức ở Hà Nội rất đáng buồn.
Theo ông Dũng, thi công chức cũng nên thi kiến thức về pháp luật, hành chính – công vụ. Tuy nhiên, không thể xem nhẹ việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng về chuyên môn của các ngành cụ thể mà thí sinh ứng tuyển. Ngoài ra, mỗi cơ sở có quyền quy định thi tuyển, tiêu chí riêng. Bên cạnh đó, cũng nên xem lại cách thức thi tuyển có thật sự khách quan, tránh làm theo hình thức. Tuy vị trí đó còn “chỗ”, nhưng lại “nhắm” cho người khác từ trước.
Lãnh đạo Đại học Thăng Long cũng cho rằng, để tuyển một người có đủ năng lực, họ rất coi trọng thành tích đã đạt được. Ngoài ra, còn dựa vào năng lực thực tiễn.
Trong khi đó, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng không bất ngờ về kết quả thi công chức của Hà Nội. Bởi thí sinh chỉ có kiến thức đơn thuần, thi công chức sẽ trượt. Những người học nước ngoài không hiểu các thủ tục hành chính trong nước cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, những thủ khoa thi trượt cũng rất đáng tiếc vì kiến thức chuyên môn của họ khá giỏi, trong khi chỉ cần đầy đủ năng lực thực sự, tri thức kỹ năng là có thể đỗ.
GS Dong cho rằng, Sở Nội vụ Hà Nội đánh giá những người thi trượt công chức do không tâm huyết là không đúng. “Không tâm huyết thì họ đã không đi thi. Vì thế, không thể kết luận những người thi trượt không tâm huyết”.
“Nhân đây cũng cần xem lại cách tổ chức thi tuyển công chức, viên chức. Trước hết, cần xem nội dung thi tuyển có thật sự phù hợp với vị trí cần tuyển dụng không”, GS Dong bày tỏ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, thi công chức như ta từng làm chưa chắc đã chính xác, khó tìm được người giỏi. Hơn nữa, đây không phải là cách thi tuyển công chức mẫu mực. Do đó, để người giỏi làm việc phải dựa vào năng lực cụ thể. Ngược lại, nếu tuyển dụng dạng “công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vào làm việc sẽ “chết” bộ máy hành chính sự nghiệp.
Theo Dân Việt
Xem thêm: chứng chỉ quản lý nhà nước, học quản lý nhà nước, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước