Xét tốt nghiệp THPT bằng cách lấy điểm trung bình lớp 12: lo ngại tiêu cực xảy ra
26 12, 2014 tuyensinh89
Trong khi Bộ GD-ĐT coi việc lấy điểm trung bình lớp 12 kết hợp với điểm thi kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp để tránh học lệch thì chuyên gia giáo dục và phụ huynh lại lo ngại sẽ xảy ra tiêu cực để được điểm cao. Để tránh tình trạng đó xảy ra, có ý kiến của chuyên gia cho rằng: “Sở GD-ĐT cần quản lý điểm số hàng tháng, tránh việc cuối năm, cuối học kỳ, phụ huynh nhờ vả thầy cô sửa điểm”
Tránh học lệch
Theo Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, việc sử dụng kết quả học tập lớp 12 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT đã được các nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội tin tưởng ghi nhận nên sẽ tiếp tục được thực hiện trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Theo ông Mai Văn Trinh, việc rút bớt các môn thi tốt nghiệp THPT xuống còn 4 môn (thay vì 6 môn như những năm trước) sẽ giúp giảm áp lực kỳ thi nhưng cũng khiến học sinh có thể “bỏ qua” những môn học không phải thi. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã quy định sử dụng phối hợp kết quả các môn thi với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đây là một trong những biện pháp nhằm tạo động lực để học sinh khắc phục tình trạng học lệch. Theo đó, để tốt nghiệp THPT, trước hết, học sinh phải cố gắng học đều tất cả các môn học trong chương trình. Điều này cũng giúp dần xóa bỏ quan niệm môn chính, môn phụ trong nhà trường, đồng thời phát huy vai trò của các giáo viên bộ môn.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, cách làm này có dụng ý tốt. Tuy nhiên, qua 1 năm thực hiện, nhiều học sinh vẫn chỉ tập trung vào các môn sẽ thi tốt nghiệp và thi đại học. Vì vậy, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Bộ GD-ĐT vẫn cần phải có các hình thức kiểm tra, đánh giá toàn diện hơn để khắc phục triệt để tình trạng học lệch.
Lo chạy đua điểm số
Nói về hệ quả của việc sử dụng kết quả học tập lớp 12 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, các chuyên gia lại lo ngại sẽ phát sinh tiêu cực để đạt điểm trung bình lớp 12 cao hơn sức học thực tế. Thạc sỹ giáo dục Kim Ngọc Minh cho rằng, ngay cả học bạ còn sửa được, huống hồ việc tìm cách “tác động” có chủ ý để có điểm trung bình cao, làm nấc thang quan trọng cho tốt nghiệp THPT và vào đại học. Một học sinh rất kém nhưng có thể tác động bằng cách nào đó để có điểm trung bình lớp 12 là 7,0. Như vậy, khi thi tốt nghiệp chỉ cần mỗi môn 3 điểm là đủ để đỗ tốt nghiệp. Cũng theo Ths Kim Ngọc Minh, đánh giá quá trình là phương pháp đánh giá hiện đại nhưng chỉ phù hợp khi có tính tự giác và trung thực cao.
Bà Nguyễn Minh Anh, phụ huynh có con học lớp 12 trường THPT Phan Huy Chú lo lắng: “Khó ai có thể giỏi toàn diện các môn học. Nhưng nếu dùng điểm trung bình các môn học để tính điểm tốt nghiệp và nhiều trường ĐH còn lấy để xét tuyển thì rõ ràng các cháu cần phải đạt điểm cao ở tất cả các môn. Vậy nếu không tác động thì liệu con mình có thiệt thòi hơn các bạn?”. Không chỉ lo ngại về tình trạng “chạy đua” giữa các phụ huynh, nhiều giáo viên lo rằng, nếu mình quá khắt khe mà các trường bạn, tỉnh bạn lại “mở” trong việc đánh giá điểm lớp 12 thì chung quy học sinh của mình thiệt.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, theo quy luật chung, chắc chắn khi có quy định mới, người học sẽ tìm cách thích ứng, ở đây có cả tiêu cực. Do đó, việc hạn chế các tiêu cực cần nhiều biện pháp, bao gồm cả việc tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về năng lực thực chất. Đồng thời, các trường phải đảm bảo sự minh bạch, công khai, xử lý nghiêm những trường hợp tố giác “chạy” điểm. “Sở GD-ĐT cần quản lý điểm số hàng tháng, tránh việc cuối năm, cuối học kỳ, phụ huynh nhờ vả thầy cô sửa điểm” – TS Nguyễn Tùng Lâm gợi ý.
Về phía Bộ GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc đánh giá kết quả học tập theo quá trình đã được quy định cụ thể. Theo đó, đội ngũ nhà giáo phải có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, đánh giá, đảm bảo tin cậy, khách quan hướng tới thực dạy, thực học tạo điều kiện để duy trì và phát triển bền vững chất lượng giáo dục. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường để điều chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm. “Trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục là phải xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện được điều đó. Thực tế, các Sở GD-ĐT đã chủ động có nhiều giải pháp quản lý công tác kiểm tra, đánh giá học sinh” – ông Mai Văn Trinh nói.
Theo anninhthudo