5 đặc điểm đặc trưng cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước

5 đặc điểm đặc trưng cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước

25 06, 2015 tuyensinh89

Quản lý hành chính nhà nước chính là hoạt động thể hiện tính quyền lực của nhà nước trong việc quản lý nhà nước, nó là được hiểu là hoạt động chấp hành – điều hành của nhà nước và được tiến hành bởi những chủ thể có quyền năng hành pháp, có nội dung để bảo đảm sự chấp hành pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên đối với  công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa – xã hội và hành chính – chính trị của một nhà nước. Quản lý hành chính nhà nước bao gồm 5 đặc điểm đặc trưng sau:

Thứ nhất, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước.

Quyền lực nhà nước trong quản lý hành chính nhà nước trước hết thể hiện ở việc các chủ thể có thẩm quyền thể hiện ý chí nhà nước thông qua phương tiện nhất định , trong đó phương tiện cơ bản và đặc biệt quan trọng được sử dụng là văn bản quản lý hành chính nhà nước . Bằng việc ban hành văn bản , chủ thể quản lý hành chính nhà nước thể hiện ý chí của mình dưới dạng các chủ trương , chính sách pháp luật nhằm định hướng cho hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật ; dưới dạng quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy phạm pháp luật của cơ quan quyền lực nhà nước và của cấp trên thành những quy định chi tiết để có thể triển khai thực hiện trong thực tiễn ; dưới dạng các mệnh lệnh cá biệt nhằm áp dụng pháp luật vào thực tiễn , trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ quản lý ; dưới những dạng mệnh lệnh chỉ đạo cấp dưới trong hoạt động ,nhằm tổ chức thực hiện pháp luật trong thực tiễn ; dưới dạng những thông tin hướng dẫn đối lập với cấp dưới nhằm đảm bảo sự thống nhất , có hệ thống của bộ máy hành chính nhà nước . 

Bên canh đó , quyền lực nhà nước còn thể hiện trong việc các chủ thể có thẩm quyền tiến hành những hoạt động cần thiết để bảo đảm thực hiện ý chí nhà nước , như các biện pháp về tổ chức , về kinh tế , tuyên truyền giáo dục , thuyết phục cưỡng chế … Chính những biện pháp này là sự thể hiện tập trung và rõ nét của sức mạnh nhà nước , một bộ phận tạo nên quyền lực nhà nước , nhờ đó ý chí của chủ thể quản lý hành chính nhà nước được bảo đảm thực hiện . 

Đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt hoạt động quản lý hành chính với những hoạt động quản lý không mang tính quyền lực nhà nước , nhu quản lý trong nội bộ của các đảng phái chính trị , các tổ chức xã hội , doanh nghiệp… Trong các hoạt động quản lý phi nhà nước , quyền lực cũng được sử dụng nhưng không phải là quyền lực nhà nước , chỉ tác động trong nội bộ tổ chức , nhằm đạt mục tiêu của tổ chức trong khuôn khổ pháp luật ; các chủ thể quản lý cũng thể hiện ý chí và sử dụng sức mạnh của mình để bảo đảm thực hiện ý chí đó , tuy nhiên họ chỉ nhân danh cá nhân hay tổ chức mình mà không nhân danh nhà nước .

Thứ hai, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động được tiến hành bởi những chủ thể có quyền năng hành pháp.

Cách hiểu phổ biến hiện nay thì nhà nước có ba quyền năng : lập pháp , hành pháp và tư pháp .Trong đó , quyền năng hành pháp trước hết và chủ yếu thuộc về các cơ quan hành chính nhà nước , tuy nhiên trong rất nhiều hoạt động khác như : việc ổn định tổ chức nội bộ của các cơ quan nhà nước , hoạt động quản lý được tiến hành bởi các bộ…Trong những trường hợp này quyền năng hành pháp cũng thể hiện rõ nét và nếu xét về bản chất thì tương đồng với hoạt động hành pháp của các cơ quan hành chính nhà nước . Do dó , có thể kết luận chủ thể quản lý hành chính nhà nước là các chủ thể mang quyền lực nhà nước trong lĩnh vực hành pháp , bao gồm : cơ quan hành chính nhà nước và công chức của những cơ quan này ; thủ trưởng của các cơ quan nhà nước ; các công chức nhà nước , cá nhân hoặc tổ chức xã hội được nhà nước ủy quyền quản lý hành chính đối với một số loại việc nhất định . Và như vậy , quản lý hành chính nhà nước có đối tượng tác động là các quan hệ xã hội phát sinh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội , từ quan trọng tới ít quan trọng , từ phổ biến tới cá biệt , phát sinh trong đời sống dân cư , đời sống pháp luật và trong nội bộ của các cơ quan nhà nước . Trong khi đó hoạt động lập pháp , tư pháp chỉ phát sinh trong phạm vi tương đối hẹp , có đối tượng tác động là những quan hệ xã hội quan trọng .

Thứ ba, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động có tính thống nhất, được tổ chức chặt chẽ.

Để bảo đảm tính pháp chế trong hoạt động hành pháp , bộ máy các cơ quan hành pháp được tổ chức thành một khối thống nhất từ Trung ương tới địa phương , đứng đầu là Chính phủ , nhờ đó các hoạt động của bộ máy được chỉ đạo , điều hành thống nhất , bảo đảm lợi ích chung của cả nước , bảo đảm sự liên kết , phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả , tránh được sự cục bộ phân hóa giữa các địa phương hay vùng miền khác nhau . Tuy nhiên , do mỗi địa phương đều có những nét đặc thù riêng về điều kiện kinh tế – xã hội , nên để có thể phát huy tối đa những yếu tố của từng địa phương , tạo sự năng động sáng tạo trong quản lý điều hành , bộ máy hành chính còn được tổ chức theo hướng phân cáp , trao quyền tự quyết , tạo sự chủ động sáng tạo cho chính quyền địa phương . 

Để cùng lúc đạt được hai mục đích này , nguyên tắc “ hai chiều lệ thuộc” được sử dụng như một giải pháp hữu hiệu trong việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước . Theo đó , loại trừ Chính phủ là cơ quan đứng đầu bộ máy hành chính nhà thì mỗi cơ quan khác trong bộ máy này đều lệ thuộc vào hai cơ quan : một cơ quan theo chiều dọc để đảm bảo sự thống nhất của bộ máy ; một cơ quan theo chiều ngang để đảm bảo sự chủ động của mỗi cấp quản lý . Vấn đề căn bản được đặt ra trong việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là xác định hợp lý thẩm quyền của mỗi cấp quản lý , vừa tránh được sự chồng chéo chức năng , vừa không bỏ lọt những lĩnh vực cần quản lý ;vừa bảo đảm sự điều hành xuyên suốt , thống nhất trong bộ máy , vừa tạo ra được sự chủ động , sáng tạo của mỗi cấp quản lý , có như vậy mới vừa bảo đảm thống nhất lợi ích chung của nhà nước , vừa đảm bảo lợi ích của từng địa phương .

Thứ tư, hoạt động quản lý hành chính nhà nước có tính chấp hành và điều hành.

Tính chấp hành và điều hành của hoạt động quản lý nhà nước thể hiện trong việc những hoạt động này được tiến hành trên cơ sở pháp luật và nhằm mục đích thực hiện pháp luật , cho dù đó là hoạt động chủ động sáng tạo của chủ thể quản lý thì cũng không được vượt quá khuôn khổ pháp luật , điều hành cấp dưới , trực tiếp áp dụng pháp luật hoặc tổ chức những hoạt động thực tiễn… , trên cơ sở quy định pháp luật nhằm hiện thực hóa pháp luật . 
Tính điều hành của hoạt động quản lý hành chính nhà nước thể hiện trong việc chủ thể có thẩm quyền tổ chức thực hiện pháp luật trong đời sống xã hội . Trong quá trình đó , các chủ thể này , không chỉ tự mình thực hiện pháp luật mà quan trọng hơn cả chúng đảm nhận chức năng chi đạo nhằm vận hành hoạt động của các cơ quan , đơn vị trực thuộc theo một quy trình thống nhất ; tổ chức để mọi đối tượng có liên quan thực hiện pháp luật nhằm hiện thực hóa các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ quản lý . 

Như vậy , trong mỗi hoạt động quản lý hành chính nhà nước , tính chấp hành và tính điều hành luôn đan xen , song song tồn tại , tạo nên sự đặc thù của hoạt động quản lý hành chính nhà nước , nhờ đó có thể phân biệt với hoạt động lập pháp và tư pháp : trong lập pháp , chấp hành là để xây dựng pháp luật làm cho pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn ; trong tư pháp , chấp hành là để bảo vệ pháp luật tránh khỏi sự xâm hại ; còn trong quản lý hành chính , chấp hành là để tổ chức thực hiện pháp luật trong đời sống xã hội .

Thứ năm, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động mang tính liên tục.

Khác với hoạt động lập pháp và tư pháp, quản lý hành chính nhà nước luôn cần có tính liên tục, kịp thời và linh hoạt để đáp ứng sự vận động không ngừng của đời sống xã hội. Chính điểm đặc thù này được coi là một cơ sở quan trọng trong việc xác lập quy định về tổ chức và hoạt động, quy chế công chức, công vụ của bộ máy hành chính nhà nước; tạo ra bộ máy hành chính gọn nhẹ, có sự linh hoạt trong tổ chức, có đội ngũ công chức năng động sáng tạo, quyết đoán và chịu sự ràng buộc trách nhiệm đối với hoạt động của mình./. 

Nguồn: sưu tầm

0979.86.86.59

1 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
LINH

Chào anh chị, anh chị có tài liệu nào nói về Mối quan hệ giữu các cơ quan QLNH với hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước.