Lãnh đạo các trường mong muốn giáo viên tiếp tục được ký hợp đồng
04 05, 2015 tuyensinh89
Đó là quan điểm của nhiều lãnh đạo các trường học trên địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) liên quan đến sự việc Sở Nội vụ Hà Tĩnh đưa ra văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên, nhân viên thuộc diện hợp đồng với huyện.
Vừa qua, báo Dân trí có bài viết “Nhiều giáo viên có nguy cơ mất việc làm”, phản ánh việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Nội vụ đã có văn bản yêu cầu huyện Kỳ Anh lập danh sách yêu cầu chấm dứt hợp đồng đối với những lao động đang thuộc diện hợp động với huyện không qua tuyển dụng trong cơ quan nhà nước.
Với yêu cầu này, hơn 200 giáo viên, nhân viên trên địa bàn huyện Kỳ Anh có nguy cơ mất việc làm.
Sự việc trên đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều nhau. Phần nhiều dư luận không đồng tình với văn bản trên và cho rằng các cấp ngành Hà Tĩnh nên xem xét, cẩn trọng trước khi đưa ra các quyết định chính thức bởi đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sự nghiệp của hơn 200 người.
Trong khi đó, rất nhiều lãnh đạo các trường học trên địa bàn mong muốn rằng, những đối tượng này sẽ tiếp tục được ký hợp đồng lao động để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Việc đưa ra yêu cầu như thế là rất thiệt thòi với những đối tượng này. Còn các trường nếu ký hợp đồng với những đối tượng này theo cơ chế tự chủ là rất khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Quý, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Xuân (Kỳ Anh) cho biết, theo như yêu cầu của văn bản thì trường phải chấm dứt hợp đồng với 4 người (cả giáo viên và nhân viên).
Ông Quý cho biết: “Việc phải chấm dứt hợp đồng với 4 người này thì nhà trường sẽ khó khăn bởi năm học sau trường sẽ bị thiếu đi 2 người: một giáo viên và một nhân viên. Năm sau nếu huyện và phòng cho chủ trương ký hợp đồng thì nhà trường sẽ ký. Nếu như hợp đồng thì cũng phải 1,5 triệu đồng/người/tháng. Tiết kiệm lắm thì nhà trường mới có thể ký hợp đồng được. Nhưng nói chung thì rất khó khăn”.
Liên quan đến văn bản chủ trương vừa qua của tỉnh, ông Quý cho rằng, việc đột ngột đưa ra chủ trương chấp dứt hợp đồng thì rất thiệt thòi cho các giáo viên, nhân viên.
“Họ đã trông chờ vào việc ký hợp đồng để sau này hy vọng có thể biên chế. Tôi thấy rất có lỗi với những người đó. Tôi mong muốn, các cơ quan nghiên cứu cụ thể để đưa ra chủ trương hợp lý, phù hợp với thực tế địa phương, ngân sách của tỉnh, huyện để cho họ được hợp đồng trở lại”.
Một lãnh đạo khác tại một trường học tiểu học ở Kỳ Anh (xin được giấu tên) cho biết: Đến ngày 25/5, sau khi kết thúc năm học, mới chính thức chấm dứt hợp đồng. Năm học tới (2015 -2016) huyện Kỳ Anh cũng sẽ có chủ trương tuyển mới. Trong đó ở cấp tiểu học có 93 chỉ tiêu giáo viên. Những đối tượng này có thể tham dự thi tuyển công chức theo Thông tư của Bộ.
“Trường của tôi phải chấm dứt hợp đồng với 8 người bao gồm cả nhân viên và giáo viên. Nếu năm học tới nếu không được bổ sung thì sẽ thiếu rất nhiều. Thực ra những người bị chấm dứt hợp đồng lần này thì họ đều đã có kinh nghiệm, hơn nữa nhiều người đã đóng bảo hiểm, việc chấm dứt hợp đồng như vậy là rất thiệt thòi”, vị này cho biết.
“Trong những năm qua, với những khó khăn của nhà trường, cũng như huyện, lực lượng này đã có vai trò rất quan trọng. Tôi cũng rất mong muốn, họ sẽ được tiếp tục ký hợp đồng để làm lực lượng dự phòng. Sau này mà có giáo viên về hưu thì thì mình sẽ bổ sung lực lượng này nhưng cũng phải theo đúng quy chế xét tuyển”.
Theo Dân Trí