Ồ ạt xin vào lớp trẻ 6-12 tháng

Ồ ạt xin vào lớp trẻ 6-12 tháng

02 04, 2015 tuyensinh89

Sau một năm thí điểm nhận trẻ 6-12 tháng, các trường mầm non công lập tại TP HCM từ “trắng” trẻ đã trở nên quá tải.

Cô và trò lứa tuổi 6-12 tháng tại Trường Mầm non Hoa Anh Đào Ảnh: HOÀNG TRIỀU

>>Xem thêm: học trung cấp mầm non tại Hà Nội

Chị Hồng Duyên – nhà tại quận 7, TP HCM – có con vừa tròn 8 tháng. Vì điều kiện công tác, chị có nhu cầu gửi con vào Trường Mầm non (MN) 19-5, là trường của quận 7 thí điểm nhận trẻ 6-12 tháng. Tuy nhiên, vừa qua, chị đến tìm hiểu thông tin xin gửi con thì trường thông báo đã hết chỗ.

Hết khả năng đáp ứng

Chị Huỳnh Mai – nhà tại quận Tân Phú,  TP HCM – có con 12 tháng cũng muốn gửi vào Trường MN Hoa Anh Đào. Mới đây, trường này cũng thông báo đã nhận đủ trẻ.

Theo bà Chung Bích Phượng, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Tân Phú, nếu so sánh số lượng trẻ 6-12 tháng trên địa bàn với khả năng nhà trường tiếp nhận thì đúng là quá tải. Năm 2014-2015, quận Tân Phú chỉ thí điểm Trường MN Hoa Anh Đào nhận giữ trẻ độ tuổi này, với quy mô chỉ 6 bé/lớp.

“Thực tế, có quá nhiều trẻ không đúng đối tượng muốn nhập học. Trong khi đó, nhiều trẻ 6-12 tháng đã vào học nhưng không ổn định vì chỉ cần ho, sốt là phụ huynh lập tức cho nghỉ. Trường cũng không thể nhận thêm trẻ vì nếu sau đó, khi phụ huynh có con đúng đối tượng được nhận và có nhu cầu gửi thực sự mà hết chỗ thì như thế là bất công với họ” – bà Phượng băn khoăn.

Bà Phượng cho biết nhằm hạn chế tình trạng trẻ ngoài diện tiếp nhận mà vẫn ồ ạt xin vào, Phòng GD-ĐT đã tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh để họ biết con mình thuộc đối tượng nào, có đủ điều kiện ưu tiên vào trường hay không. “Do đặc thù dân cư đông nên đối tượng trẻ ưu tiên nhận phải là con của hộ nghèo, có mã số chứng nhận, con của vợ chồng đều là công nhân hoặc con của thầy cô giáo, công chức, viên chức ở quận” – bà Phượng lưu ý.

Cùng tình trạng quá tải là trường hợp ở quận 7. Ông Phạm Xuân Đông, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết Trường MN 19-5 thí điểm nhận trẻ 6-12 tháng và hiện nay không thể nhận thêm, do số lượng đã đủ là 9 bé/lớp.

Không thể nhận nhiều

Nhiều phụ huynh muốn gửi con thắc mắc dù phòng rộng, số trẻ 6-12 tháng ở mỗi lớp không nhiều nhưng sao không nhận thêm? Lãnh đạo các phòng GD-ĐT cho rằng việc chăm sóc trẻ ở lứa tuổi này rất khác biệt, có thể nhận được 30 bé lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo nhưng không thể nhận quá 10 trẻ 6-12 tháng/lớp.

Bà Nguyễn Thị Thanh – Tổ trưởng tổ MN Phòng GD-ĐT quận 12 – lý giải dù chỉ có 1 trẻ nhập học nhưng vẫn phải bố trí 2 giáo viên, 1 nhân viên y tế chăm sóc theo dõi. Đó là chưa kể với trẻ ở độ tuổi này thì phải thiết kế, xây dựng khu vực nấu ăn riêng, phải dùng bếp từ…

Theo bà Chung Bích Phượng, khi thí điểm nhận trẻ 6-12 tháng, phòng ốc phải cải tạo lại từ việc thay sàn gỗ đến xây nhà vệ sinh… Số tiền đầu tư ước tính gần 200 triệu đồng/phòng. Mỗi giáo viên chỉ chăm 4 trẻ là hết sức nên không thể nhận thêm.

Tại quận 12, bà Nguyễn Thị Thanh – Tổ trưởng Tổ MN Phòng GD-ĐT quận – cho biết những ngày đầu, quy mô thí điểm của Trường MN Sơn Ca 8 là 10 trẻ. “Trẻ càng nhỏ, việc chăm sóc càng không thể lơ là. Do vậy, số trẻ dù ít nhưng đại diện Phòng GD-ĐT quận phải thường xuyên lui tới, để mắt đến các bé” – bà Thanh nói.

Mở rộng quy mô

Năm học 2015-2016, quận 12 tiếp tục mở rộng Trường MN Sơn Ca 6 với quy mô nhận khoảng 6-8 trẻ/lớp. Dự kiến, trường sẽ đông trẻ vào học vì đây là địa bàn dân cư đông hơn khu vực Trường MN Sơn Ca 8. Trong khi đó, quận Tân Phú cũng mở rộng việc tiếp nhận trẻ theo lộ trình năm học mới với 2 trường nữa là MN Rạng Đông và Bông Sen, quy mô mỗi trường 8-10 trẻ.

Theo ông Phan Văn Đồng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 10, theo lộ trình của đề án thí điểm, năm học 2015-2016, quận có thêm 2 trường MN nhận trẻ 6-12 tháng. Tại quận 7, ông Phạm Xuân Đông cho biết theo kế hoạch sẽ có thêm 1 trường nhận trẻ 6-12 tháng vào năm học mới nhưng tiến độ xây dựng của nhà đầu tư bị dời đến tháng 12-2015. 

Theo Đặng Trinh (Người lao động)

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments