Quyết tâm giữ vững chủ quyền lãnh thổ
10 01, 2015 tuyensinh89
Giàn khoan Hải Dương 981 đang di chuyển trên biển Đông chưa biết sẽ đặt tại đâu, việc của Trung Quốc làm từ trước tới nay cho thấy khó có sự ôn hoà trong bước đi của giàn khoan này.
Tiếp đến là việc Trung Quốc thành lập 4 ban “vũ trang nhân dân” trên quần đảo Hoàng Sa, chưa kể việc công bố hình ảnh quân sự trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 9.1 đưa tin đầy khoe khoang và đe doạ khi nói về con tàu Tam Sa 1 bắt đầu chuyến hải trình từ đảo Hải Nam đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đặt tên con tàu để muốn công bố thêm một lần cái tên mà họ đã từng đặt cho thành phố trên đảo Phú Lâm.
Con tàu này có khả năng vận chuyển một tiểu đoàn bộ binh và khí tài, chở được xe tăng đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong trường hợp có xung đột. Thời báo Hoàn Cầu nói không che giấu, thậm chí thách thức.
Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế không lạ lùng về các hành động gây hấn và xâm lược của Trung Quốc. Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định với báo giới rằng các hành động trên của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì hoà bình tại biển Đông và không thay đổi được thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chủ tịch huyện Hoàng Sa Võ Công Chánh phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc và cho rằng các hành động đó đe doạ nghiêm trọng an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông, ảnh hưởng tới lợi ích trên biển của các quốc gia trên thế giới.
Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia của ta tất nhiên chúng ta phải lên tiếng phản đối. Nhưng từ trước đến nay,Trung Quốc bất chấp mọi sự phản đối từ phía Việt Nam cũng như từ cộng đồng quốc tế. Họ đang thực hiện cho bằng được mục đích thôn tính biển Đông, họ đang hiện thực hoá giấc mơ mang hình lưỡi bò.
Biết vậy để đừng ngây thơ tin vào những lời nói “hữu nghị viển vông” và để sẵn sàng kế sách giữ nước.
Trong bài viết chào năm mới 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Giang sơn xã tắc mấy nghìn năm ông cha ta truyền lại, thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mãi mãi sau này có nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng là phải giữ gìn, quyết không để tổn thất một ly lai”.
Không một người Việt Nam nào muốn mất một ly đất, một lai biển về tay Trung Quốc. Nhưng giữ đất, giữ biển như thế nào trước một Trung Quốc đầy dã tâm là một việc đang thách thức dân tộc này.
Cha ông dựng được nước, giữ được nước trước nạn xâm lăng từ phương Bắc không mất một ly lai. Con cháu cũng phải làm được điều đó. Nếu không thì sẽ có tội với tổ tiên.
Lê Chân Nhân/ Dân Trí