“Tôi thấy một số thầy nhiều kinh nghiệm, nhưng chưa phải là tốt”
11 02, 2015 tuyensinh89
Đó là khẳng định của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Phùng Xuân Nhạ – Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác đào tạo năm 2015 của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong năm 2014, bên cạnh những kết quả đã đạt được, mang tính đột phá, bức tranh đào tạo tại ĐHQGHN năm 2014 vẫn còn có những tồn tại cần sớm khắc phục như: chưa nhân rộng được việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, liên kết đào tạo quốc tế “mất mùa”, khả năng tự chủ để phát huy thế mạnh của các chương trình được kiểm định tốt AUN hoặc các chương trình có nhu cầu xã hội cao chưa cao.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: VNU) |
Ngoài ra, theo ông Nhạ, ĐHQGHN chưa đủ kinh phí cho việc giảng dạy và nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản, chưa kiểm soát được đầu ra cho sinh viên, chưa có đầy đủ các hệ kiểm tra đánh giá, phản hồi của người học, giáo trình học liệu, các điều kiện giúp người học đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội…
“Về tổ chức quá trình đào tạo, khâu đánh giá chất lượng dạy và học, chúng ta có làm, nhưng lơ mơ. Thậm chí làm xong rồi, xử lý thế nào lại càng lơ mơ. Người đánh giá cũng ào ào. Cách thức đánh giá cũng chưa ổn”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.
Cũng theo ông Nhạ, các thầy cô không phải cứ nhiều kinh nghiệm là tốt.
Ông Nhạ nhấn mạnh: “Tôi thấy một số thầy nhiều kinh nghiệm, nhưng chưa phải là tốt. Thậm chí có một số thầy rất giỏi, nhưng chân ngoài dài hơn chân trong. Đi dạy chẳng thấy các thầy đó chuẩn bị bài vở gì cả, đến hát rồi về. Nói cách khác, tính nghiêm túc trong quá trình đi làm của một số – một số đông các thầy chưa cao.
Còn các sinh viên, tôi để ý thấy không chỉ ở giảng đường đại học mà ngay cả ở các lớp đào tạo thạc sĩ, nhất là các lớp tại chức, cứ có tâm lý thầy nghỉ là mừng”.
Từ thực trạng trên, ông Nhạ đề nghị lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc cần phải có chế tài mới, thậm chí lập bản đồ về chất lượng giảng dạy của các ngành.
“Cũng cần đánh giá phải đúng chất lượng người dạy, tạo động lực cho đổi mới có chất lượng. Cùng với đó, phải hạn chế mức thấp nhất nhiều tồn tại hiện nay như: Dạy thì nhiều thầy chưa chuyên nghiệp, học thì học thuê, việc đánh giá chất lượng chưa nghiêm túc…”, ông Nhạ khẳng định.
174.000 cử nhân thất nghiệp: Rất nguy hiểm
Tình trạng sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm lâu nay đã trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nhiều tư lệnh ngành đều đã lên tiếng về việc này, nhưng mọi giải pháp đưa ra đều chưa xử lý triệt để được thực trạng trên.
Thất nghiệp đang là nỗi lo chung của rất nhiều sinh viên (Ảnh: NDT) |
Vào cuối năm 2014, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết mỗi năm cả nước có trên 800 nghìn sinh viên ra trường ( bao gồm cả học nghề). Số thanh niên này rất cần việc làm, đặc biệt đối với những gia đinh có hoàn cảnh khó khăn phải vay mượn cho con đi học.
Theo Bộ trưởng Hải Chuyền, nếu nền kinh tế không gặp khó khăn, hàng trăm nghìn doanh nghiệp không phá sản, giải thể thì 174 nghìn cử nhân có thể sẽ tìm được việc làm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng khâu đào tạo hiện nay còn nhiều hạn chế. Mặc dù có đến 70% số sinh viên học nghề ra trường có việc làm nhưng trình độ và kỹ năng của lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.
Thừa nhận có tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm hoặc làm trái với chuyên ngành đào tạo, thế nhưng, trong một lần trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận lại cho rằng do nhiều nguyên nhân.
Xét từ góc độ nơi sử dụng lao động, từ khi đất nước tiến hành đổi mới, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng (cũng như nguồn lao động) không chỉ làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp của nhà nước, mà làm việc ở tất cả các cơ sở thuộc 5 thành phần kinh tế. Xét từ góc độ nguồn cung ứng nhân lực, tham gia cung cấp sinh viên tốt nghiệp cho thị trường lao động không chỉ có các trường công lập, mà còn có các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài.
Việc đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành, trường đào tạo là do học sinh tự quyết định, tuy nhiên lại thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực, thông tin về thị trường lao động…; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương chưa sát thực; năng lực học tập của một số học sinh thấp, chất lượng chưa cao.
Bên cạnh đó, trong tình hình suy thoái kinh kế toàn cầu và khu vực cùng khó khăn của nền kinh tế trong nước, tình hình sinh viên tìm việc làm càng khó khăn hơn.
Để khắc phục thực trạng này, về phía Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT), Bộ trưởng Luận đã đưa ra 6 giải pháp thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và nhấn mạnh tới việc ban hành quy định về công tác hướng nghiệp và tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.
Về phía ĐHQGHN, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cho rằng, để đầu ra cho sinh viên tốt hơn, các trường cần phải mở rộng nghiên cứu, tìm hiểu xem ngành mình đang đào tạo nhu cầu xã hội như thế nào để có thể kết nối giữa nhà trường và bên ngoài – các nhà quản lý lao động.
Đồng thời, ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Sinh viên đã tốt nghiệp mà không có việc làm là vô cùng nguy hiểm! Do vậy, chúng ta phải tìm cách để sinh viên tốt nghiệp ĐHQGHN ra phải có việc làm, mà việc làm phải được chứ không phải việc gì cũng làm. Ít nhất công việc đó cũng phải thuộc tầm trung trở lên.
Đừng để tình trạng khi đi học thầy cho điểm rất cao, tốt nghiệp toàn loại giỏi, xuất sắc mà ra trường không làm được việc. Mục tiêu của chúng ta là đào tạo ra những người có việc làm”.
Theo Phong Nguyên / Giáo dục Việt Nam