Trường cao đẳng ngóng thí sinh
05 08, 2015 tuyensinh89
Trong lúc các trường ĐH đang tất bật nhận hồ sơ xét tuyển thì các trường CĐ chưa có nhiều thí sinh đến đăng ký xét tuyển.
Nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển nhất trong nhóm các trường CĐ công lập phải kể đến Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng với 1.400 hồ sơ, tính đến trưa 4-8. Ông Đào Khánh Dư, hiệu trưởng nhà trường, cho rằng tiến độ nộp hồ sơ xét tuyển của thí sinh tương đối chậm, có lẽ là do thời gian kết thúc nộp hồ sơ còn dài nên thí sinh tiếp tục theo dõi thông tin.
Hồ sơ điểm cao vẫn không chắc ăn
Tính đến trưa 4-8, Trường CĐ Công Thương TP HCM mới nhận được 700 hồ sơ xét tuyển của thí sinh. Ông Lê Thanh Bình, hiệu trưởng nhà trường, đánh giá dù có chậm nhưng lượng hồ sơ trường nhận được vào lúc này là tạm được, bởi thời gian đăng ký xét tuyển con dài, thí sinh còn đắn đo xem nộp vào trường nào, ngành nào cho phù hợp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mức sàn xét tuyển cho khối các trường CĐ là 12 điểm nhưng ở những trường có thương hiệu, điểm xét tuyển của thí sinh lại khá cao. Có thí sinh đạt tổng điểm 3 môn là 22,75 điểm vẫn đăng ký xét tuyển CĐ.
Năm 2015, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng tuyển hơn 3.000 chỉ tiêu vào 9 ngành đào tạo với mức sàn xét tuyển từ 12 điểm trở lên. Trên danh sách thí sinh trúng tuyển tạm thời mà trường công bố, nhiều ngành/chuyên ngành có thí sinh đạt điểm cao tham gia xét tuyển. Ví dụ như chuyên ngành kỹ thuật ô tô, trong danh sách 376 thí sinh đăng ký xét tuyển, hơn 50% thí sinh có điểm thi 3 môn đạt 15 điểm trở lên. Hay như chuyên ngành kỹ thuật cơ khí, trong 208 thí sinh đăng ký xét tuyển cũng có hơn 50% thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên khi chưa cộng điểm ưu tiên. Ở các chuyên ngành khác như kỹ thuật cơ điện tử; kỹ thuật nhiệt (cơ điện lạnh); kỹ thuật điện, điện tử…, số thí sinh đạt điểm thi 3 môn từ 15 trở lên khá cao, thậm chí, có thí sinh đạt 22,75 điểm.
Tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, dù chưa có thống kê về mức điểm của thí sinh nhưng trường này chỉ nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh từ 15-16 điểm trở lên, tùy theo ngành. Trong khi đó, ở Trường CĐ Công Thương, trong 700 hồ sơ trường nhận được, hơn 30% hồ sơ xét tuyển của thí sinh có điểm trên 15. Hiện có 1 thí sinh đăng ký xét tuyển với mức điểm 20.
Vừa nhận hồ sơ vừa lo ảo
Tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, tính đến thời điểm hiện tại, trường đã nhận khoảng 600 hồ sơ xét tuyển của thí sinh. Số này không nhiều nhưng theo bà Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng nhà trường, là chấp nhận được. Bà Lý cũng cho biết trên mạng có đến hơn 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường nhưng là thí sinh ảo. Chỉ khi nào thí sinh nộp hồ sơ và đóng tiền thì mới chắc chắn.
Tại Trường CĐ Tài chính Hải quan (TP HCM), đến trưa 4-8, mới có 500 hồ sơ xét tuyển với mức điểm chủ yếu từ 13 đến 15. Cũng có những thí sinh có tổng điểm đạt 16-17 nhưng không nhiều. Ông Lê Trung Đạo, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết hồ sơ xét tuyển ít như thế này là đáng lo trong mùa tuyển sinh năm nay khi mà tâm lý của thí sinh, phụ huynh vẫn muốn vào ĐH. “Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mức điểm sàn xét tuyển ĐH là 15, CĐ là 12 thì có vẻ như các trường CĐ an tâm vì đã có một phần thí sinh. Nhưng nếu để ý thì thấy năm nay, có đến 200 trường ĐH có đề án xét tuyển riêng, xét tuyển ĐH bằng kết quả học bạ THPT thì những thí sinh không đủ điểm sàn vẫn có thể được xét tuyển ĐH” – ông Đạo nói và cho rằng thị phần của các trường CĐ là rất hạn hẹp.
Ông Đào Khánh Dư nhận định vào lúc này, chưa thể nói được điều gì về khả năng tuyển sinh của các trường CĐ bởi thí sinh vẫn còn quyền rút, nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, đại diện một số trường vẫn hy vọng vào một vài lợi thế của hệ CĐ. Theo bà Nguyễn Thị Lý, các trường CĐ công lập có lợi thế cạnh tranh về học phí so với các trường ĐH, đặc biệt là trường ngoài công lập. Với những trường đã khẳng định được uy tín thì thí sinh dù có khả năng trúng tuyển ĐH vẫn sẵn sàng từ bỏ ĐH để đăng ký xét tuyển CĐ bởi thời gian học rút ngắn và dễ có việc làm khi tốt nghiệp.
Ông Lê Thanh Bình cho rằng thí sinh có điểm cao nhưng xét tuyển CĐ có thể do hoàn cảnh kinh tế nhưng cũng có thể thí sinh chọn học CĐ rồi đi làm, sau đó học lên ĐH khi cánh cửa liên thông đại học đã rộng mở.
Theo Huy Lân (Người lao động)