Phụ huynh muốn con mình được dạy những gì?

Phụ huynh muốn con mình được dạy những gì?

26 03, 2015 tuyensinh89

Phải nhìn nhận rằng thực tế trên thế giới có những điều bất biến và vạn biến. Theo tôi, bất biến thường là Địa lý, Lịch sử, sự hiểu biết của nhân loại về thế giới tự nhiên… Vạn biến là các vấn đề liên quan đến dân số, kinh tế xã hội, địa lý kinh tế…

Dựa vào sự thay đổi hoặc không thay đổi của thế giới mà ta có thể phân loại và đưa vào chương trình dạy cho các em. Đồng thời, dạy những gì và ở lứa tuổi nào là phù hợp cũng là điều cần và nên làm. Với những sự vật, sự việc không thay đổi, ta chỉ cần dạy các em 3 năm là đủ, chẳng có gì nhiều để dạy thêm nữa và không cần lặp đi lặp lại ở các lớp. Các sự vật sự việc mang tính chất thay đổi theo thời gian ví như dân số, kinh tế… thì cỡ tuổi nào nên học qua để biết nên dạy ở giai đoạn đó thôi. Lớp 6 học dân số 1 con số khác, lên lớp 10 học 1 con số khác vậy lớp 6 dạy có ích gì không?

phuong an o tuoi

 Trẻ nhỏ từ cấp Tiểu học đến Trung học cơ sở là giai đoạn hình thành nhân cách, là lúc tiếp thu, hiếu kỳ và thực hành thói quen sống. Thay vì dạy các em những điều quá cao siêu như cách lai giống đậu Hà Lan thì nên dạy những gì cơ bản nhất mà các em có thể áp dụng, có thể nhận biết được “cái đó là cái gì” khi nhìn thấy chúng. Còn chúng được sinh ra bằng lai ghép, chúng sống bằng cơ chế nào hay .v.v… thì xin thưa chẳng có ích gì ở tuổi các em.

 Là phụ huynh học sinh, bao nhiêu người muốn con em mình học những điều mà ở lứa tuổi các em biết cũng được mà không biết cũng không sao? Bao nhiêu người mong muốn tuổi nhỏ của con em mình được vui chơi rèn luyện thể dục thể thao, được học những môn nuôi dưỡng tâm hồn như đàn hát hội họa hay cả ngoại ngữ.

 Tôi sinh năm 1986, chưa có con. Nếu tôi có con nhỏ, tôi ước sao con tôi học và hiểu được khái quát về sự vật hiện tượng trên Trái Đất này khi ở lứa tuổi Tiểu học, Trung học thế là đủ. Ngoài ra, tôi đương nhiên hy vọng con mình có vốn ngoại ngữ ngay từ nhỏ, đồng thời được rèn luyện thể dục thể thao như cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, bơi lội, aerobic… Trong khi rèn luyện nâng cao thể chất tôi muốn con tôi hàng tuần có thời gian với âm nhạc, hội họa, cờ vua, cờ tướng… vì đây chính là sân chơi, là cái nôi phát triển tâm hồn một cách lành mạnh nhất. Tôi chẳng mong con tôi bị đánh đố với mấy bài toán khó để phân loại học sinh giỏi, dốt để rồi về nhà với sự mệt mỏi thiếu sức sống và thiếu vận động thể chất.

 Là phụ huynh, ai muốn con mình lứa tuổi Trung học cơ sở vật lộn với bao nhiêu môn học mà chẳng để ứng dụng vào đâu trong cuộc sống hơn là học cách làm người? Ai muốn con mình là nạn nhân hoặc là bị can trong các cuộc ẩu đả, bạo lực học đường chỉ vì các em có những suy nghĩ và hành động lệch lạc do không được định hướng, giáo dục, và phát triển tâm hồn nhân cách sống một cách lành mạnh? Câu trả lời ắt hẳn đã có trong mỗi chúng ta.

 Tóm lại, nếu có con, tôi mong con mình được hưởng một nền giáo dục đầy tính nhân văn và sự hiểu biết cơ bản về cuộc sống ở lứa tuổi Trung học cơ sở hơn là sự hiểu biết bao la để rồi không thể nhớ nổi và cũng chẳng nhớ để làm gì. Theo cá nhân tôi thì rút ngắn số năm học phổ thông và dạy chuyên sâu hơn vào những năm này là việc nên làm thay vì dàn trải qua bao nhiêu cấp học. Hãy xác định mục đích, giáo dục tiểu học, trung học là đào tạo xây dựng nên con người có nhân cách cho xã hội chứ không phải dạy kiến thức chuyên môn – “người có tài mà không có đức là người vô dụng”. Và đừng bao giờ trông chờ vào may rủi trong việc hình thành nhân cách mỗi người mà hãy lên kế hoạch hướng các em đến nhân cách sống mà xã hội mong muốn.

 Dạy các em học chúng ta ngăn cấm việc quay cóp bài của bạn thì cũng xin đừng nhìn vào bất kỳ một nền giáo dục nào của nước khác để “copy”. Mỗi nước có truyền thống văn hóa và yêu cầu xã hội riêng, không nước nào giống nước nào. Hãy vạch ra chương trình mà kết quả của nó là điều mà cả xã hội mong chờ. 

Theo Dân Trí

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments