Các thầy, cô giáo chỉ mong muốn thi cử diễn ra nghiêm túc
11 03, 2015 tuyensinh89
Nhiều giáo viên bây giờ “sợ” đi coi thi tốt nghiệp THPT, vì không muốn chứng kiến cảnh bát nháo, tiêu cực. Các thầy cô giáo mong muốn thi cử diễn ra nghiêm túc.
Có thể nói, công tác coi thi là vấn đề cốt tử, có tính chất quyết định đến sự thành công hay thất bại của kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Tổ chức coi thi thiếu đồng bộ, nơi chặt chẽ, nơi buông lỏng thì rõ ràng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, càng xóa mòn đi niềm tin của xã hội, mọi người đang trông đợi vào ngành giáo dục; việc cộng nhận tốt nghiệp, xét tuyển sinh không chính xác, mất công bằng; ý thức, thái độ học tập rèn luyện của học sinh thêm chểnh mảng, sa sút…
Nhìn lại 20 kỳ thi tốt nghiệp THPT trở lại đây thì chỉ có năm 2007 là đúng nghĩa một kỳ thi thật, kết quả thật. Năm ấy, lần đầu tiên kỳ thi TN THPT có nhiều cải tiến, có lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT cắm chốt tại tất cả Hội đồng coi thi, năm gắn với phong trào “Nói không với căn bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử, kiểm tra”, các trường THPT đứng trước một không khí mới. Đây là năm kỉ cương, nề nếp thi cử đã được chấn chỉnh trở lại sau bao nhiêu năm việc tổ chức thi lộn xộn, có nhiều biểu hiện tiêu cực nảy sinh…
Năm đó, khi đi coi thi, chấm thi về, nhiều thầy cô giáo vui mừng khôn xiết. Đi coi thi như thế mới đúng nghĩa đi coi thi. Chẳng còn chứng kiến đến xấu hổ, cảnh “gửi gà”, cảnh tiêu cực, học sinh ngang nhiên đem và sử dụng tài liệu trong phòng thi. Năm đó, cả nước, chỉ đỗ tốt nghiệp với tỉ lệ 66,6%, thấp nhất so với các năm trước đó, có trường không có học sinh nào đỗ tốt nghiệp.
Đó là con số, tỉ lệ phản ánh đúng thực chất việc dạy học ở lớp 12. Vì thế, giá trị của dạy và học ở bậc THPT được củng cố, ý thức, tinh thần học tập của học sinh lớp 12 những năm sau đó khác hẳn, học sinh không còn chủ quan, chây lười, ỷ lại như trước đây. Đúng như dự cảm của chúng tôi, lứa học sinh lớp 12 năm 2008, thái độ, ý thức học tập ngay từ đầu năm rất tốt, rất chăm lo học hành, việc dạy dỗ của thầy cô trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả.
Các năm 2007, 2008 và 2009 tiếp theo, công tác tổ chức coi thi vẫn được đánh giá là nghiêm túc, nhờ có sự nhận thức tốt của ngành giáo dục, nhờ có lực lượng thanh tra Bộ hỗ trợ, giám sát từng hội đồng coi thi. Nhưng đến năm 2010 đến nay, khi không còn thanh tra Bộ, giao hẳn quyền tự chủ cho các Sở GD & ĐT thì mọi thứ đã đổi khác theo chiều hướng tồi tệ, tiêu cực, ước mơ về một kỳ thi nghiêm túc càng xa dần.
Nhiều thầy cô giáo làm công tác coi thi về, lại bài ca than vãn, bức xúc: kỳ thi tốt nghiệp THPT của chúng ta đã quay trở lại tình cảnh tồi tệ trước năm 2007, nghĩa là không phải đi coi thi mà chủ yếu là đi chơi, đi canh thi (tức là canh cho học sinh làm bài…).
Có thầy giáo kể sự tình: “Sau buổi làm việc đầu tiên, Hội đồng thi nào cũng có đại điện chính quyền và Ban đại diện phụ huynh sở tại có đôi lời phát biểu, gởi gắm, trông cậy cả vào các thầy cô giáo. Trong suốt thời gian làm công tác thi, cả hội đồng thi thường được chính quyền, hội phụ huynh tiếp đãi, chăm sóc, ăn uống rất chu đáo, hậu hĩnh, cuối đợt thi, ngoài chế độ, mỗi giám thị còn được bồi dưỡng chút ít nữa.
Tiền chi tiêu, tiếp đãi… chủ yếu đều do phụ huynh học sinh đóng góp cả. Họ làm thế cũng có mục đích riêng của họ, là muốn thầy cô giáo dễ dãi, nhẹ nhàng để con em địa phương đỗ tốt nghiệp thật cao. Nhiều thầy cô giáo đã thật sự “động lòng” trước tấm thịnh tình của địa phương, của phụ huynh.
Đến lễ khai mạc kỳ thi và các cuộc họp hội đồng, lãnh đạo hội đồng thi nào cũng nói rất mạnh mẽ, hùng hồn rằng chúng ta phải làm nghiêm túc, chặt chẽ, để đánh giá đúng thực chất việc dạy học của thầy và trò, thầy cô nào làm việc không đúng qui chế thi sẽ bị kỷ luật.
Nhưng lúc thực thi thì lại hoàn toàn khác. Mỗi giám thị, thư ký đến lãnh đạo hội đồng thi, thanh tra thi cắm chốt đều có “gà” hết, mỗi người trung bình cũng có 4, 5 con “gà”, nào là chỗ bà con, nào là chỗ anh em đồng nghiệp, nào là con ông A, bà B. Người có ” gà” nhiều nhất thường là các vị thanh tra và lãnh đạo hội đồng thi, được ghi chú dày đặc đến mấy trang giấy như tờ sớ…
Mỗi buổi thi, đến từng phòng thi dạo dạo, liếc liếc, mấy vị thanh tra, lãnh đạo hội đồng thi, ra hiệu vẫy hai giám thị trong phòng ra, chỉ vào tờ sớ, ở phòng này có những thí sinh tên này, số báo danh kia, cần em “giúp đỡ, quan tâm” cho một chút. Nếu là con ” gà” quan trọng, cần được hỗ trợ đặc biệt thì có thể dễ dàng sắp xếp bài bản ngay từ trước mỗi buổi thi, môn thi.
Môn Lý thì có thầy này, môn toán thì cô kia vào phòng đó, không chỉ để “gà” coi, chép tài liệu mà còn chỉ bài, gà bài cho “gà” làm bằng được. Được sự giúp đỡ tận tình như thế, những con “gà” dù dốt đến mấy cũng đậu tốt nghiệp, thậm chí đậu điểm cao là cái chắc.”
Các năm trước năm 2007 và từ năm 2010 đến 2014, không ít thầy cô giáo làm giám thị từ trạng thái bị “sốc” ban đầu chuyển sang trạng thái bình thường, xơ cứng khi chứng kiến quá nhiều cảnh thí sinh thoải mái, tha hồ quay cóp, trao đổi, lật dở tài liệu, thậm chí còn bạo dạn, hiên ngang đến mức để hẳn tài liệu, bài giải lên bàn chép, chép…vô tư, thoải mái.
Sau mỗi buổi thi, trong phòng thi đến hành lang, sân trường đâu đâu cũng trắng, đầy “phao” tài liệu. (Anh: Internet) |
Sau mỗi buổi thi, trong phòng thi đến hành lang, sân trường đâu đâu cũng trắng, đầy “phao” tài liệu… Còn giám thị thì làm gì? Ngồi trên bàn túm tụm lại nói chuyện phiếm, đọc sách báo hoặc ra ngoài hàng lang, chỗ cầu thang tán chuyện với giám thị 3. Lãnh đạo hội đồng thi, nhất là thành phần sở tại, rất thích giám thị 1 và 2 cùng ra bên phòng thi chơi, uống nước, nói chuyện…để học sinh trong phòng dễ bề hoành hành hơn.
Gặp trường hợp, giám thị nghiêm túc, bắt, thu tài liệu của thí sinh, không chấp nhận cảnh trường thi bát nháo như vậy thì lãnh đạo hội đồng thi ập tới “bao vây” xin xỏ, năn nỉ tha cho thí sinh vi phạm.
Trong trường hợp có đoàn thanh tra lưu động của Bộ GD&ĐT về kiểm tra đột xuất tại một số Hội đồng coi, thì thành phần Thường trực Hội đồng coi thi có ngay “ kinh nghiệm” xử lý, giải quyết ổn thỏa, xe của Đoàn thanh tra vừa đến cổng trường thì đã có người đến “cảnh báo” cho các giám thị, thí sinh phòng thi biết, mau chóng, tạm thời “ thu dọn” chiến trường, sự thật.
Thanh tra đi kiểm tra tại các phòng thi, mọi thứ đều rất nghiêm túc, trật tự. Thanh tra ra khỏi cổng, cả hội đồng coi thi thở phào nhẹ nhõm và tình cảnh cũ lại tái diễn…đến nhức mắt.
Nhiều giáo viên bây giờ “sợ” đi coi thi tốt nghiệp THPT, vì lẽ không muốn chứng kiến cảnh bát nháo, tiêu cực của trường thi nữa. Hầu hết, các thầy cô giáo đều mong muốn thi cử diễn ra nghiêm túc, đúng thực chất nhưng đến khi đi coi thi, làm nhiệm vụ, họ lại bất lực, thỏa hiệp trước cái xấu, cái tiêu cực của ngành mình, vì họ nghĩ chỉ là thân phận “con sâu, con kiến”. Còn các vị lãnh đạo của ngành, của địa phương, có quyền sát, quyền sinh trong tay thì vô cảm, lạnh lùng, lúc nào cũng hả hê với thành tích ảo…. để được nhiều thứ.
Trước những biểu hiện gian dối, tiêu cực quá nhiều của thi cử, có một số giáo viên còn thẳng thắn đề nghị, cấp trên nên bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ là đủ. Có thầy cô giáo lại quy kết trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục, nếu lãnh đạo chỉ đạo, làm nghiêm túc thật sự thì có hội đồng nào, giám thị nào vi phạm, đừng đổ lỗi cho thầy cô giáo chúng tôi.
Tôi cho rằng lỗi từ nhiều phía. Trước hết, vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo sở, lãnh đạo hội đồng coi thi là quan trọng nhất. Anh là lãnh đạo, anh chí công vô tư, chỉ đạo, triển khai, làm đúng quy chế, giám thị ai lệch lạc, anh nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý đúng và kịp thời thì ắt hẳn mọi việc sẽ tốt. Về giám thị coi thi, cứ thực hiện đúng nhiệm vụ, quy chế, không mềm lòng, thỏa hiệp, đấu tranh triệt để, đến cùng những tiêu cực của lãnh đạo, giám thị, thí sinh thì thi cử lâu nay đâu đến nỗi thảm thương vậy.
Năm nay, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, với mục đích “ 2 trong1”, có hai loại cụm thi, liên tỉnh và địa phương. Qua thăm dò, trao đổi, nhiều cán bộ quản lý nhà trường, thầy cô giáo tâm huyết với nghề, tiếp tục bày tỏ những quan ngại về các hội đồng thi tại địa phương do Sở GD và ĐT tổ chức, khó đảm bảo tính đồng bộ, nghiêm túc, đúng quy chế, vì thực tế bao nhiêu năm nay khi giao cho địa phương tự chủ là có nhiều vấn đề phức tạp, tiêu cực nảy sinh.
Do đó, mong muốn Bộ GD&ĐT, kỳ thi năm 2016 nên quy về một mối, giao hẳn cho các trường ĐH, CĐ chủ trì, chấp nhận số học sinh di chuyển, đi lại xa hơn nhưng cái được lớn hơn nhiều, kỳ thi quốc gia về cách thức tổ chức có tính đồng bộ, thống nhất cao, dễ soi xét, đánh giá, thực hiện; trong từng học sinh không có tâm lý phân biệt giữa thi liên tỉnh và địa phương.
Ngay cả thành phần tham gia công tác coi thi ở các trường ĐH, CĐ có cả học viên, sinh viên năm cuối (Quy chế thi mới ban hành), các đối tượng này chưa có nhiều kinh nghiệm và gắn kết về mặt trách nhiệm Nhà nước nên các trường ĐH, CĐ cần cân nhắc, lựa chọn thật kỹ lưỡng và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng bài bản, chu đáo để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề ấy.
Theo thầy Đỗ Tấn Ngọc / giaoducvietnam.vn