Cô giáo nghèo 18 năm dạy chữ miễn phí cho học trò vùng biên giới

Cô giáo nghèo 18 năm dạy chữ miễn phí cho học trò vùng biên giới

04 03, 2015 tuyensinh89

Từ ngày giã từ bục giảng, cô giáo Nông Na Nương (sinh năm 1943) về nhà mở lớp học tình thương dạy chữ cho học trò nghèo hơn 18 năm qua. Từ lớp học này có biết bao thế hệ học trò vùng biên giới An Giang tiếp tục đeo bám con chữ, đỗ đạt thành tài.

 “Tôi không có tài sản, chỉ có kiến thức”

Những ngày đầu tháng 3, PV Dân trí tìm đến gia đình cô giáo Nông Na Nương ở ấp Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, Tỉnh An Giang để tìm hiểu về lớp học tình thương đặc biệt của bà giáo nghèo sớm hôm chuyên cần “mớm” từng con chữ, bài toán cho các em học sinh nghèo ở địa phương, đặc biệt là các em học sinh còn em đồng bào dân tộc Khmer.

 Dù được chính quyền địa phương cho biết hoàn cảnh của bà giáo Nương thuộc diện khó khăn nhưng khi chứng kiến căn nhà tuềnh toàng, trống trước hở sau mà bà giáo Nương đang sinh sống, chúng tôi càng thêm xót xa và cảm phục một giáo viên nghèo suốt đời hết lòng với sự nghiệp trồng người.

ba giao Nương 1
Từ năm 1997, bà giáo Nương về hưu và lập lớp học tình thương chuyên dạy chữ cho các em học sinh nghèo, nhất là con em đồng bào dân tộc Khmer.

 

Ngồi trên chiếc võng, bà giáo Nương cầm trên tay mấy quyển sách Tiếng Việt, bà cho biết: “20 năm đứng lớp, cộng thêm 18 năm gắn bó với lớp học tình thương này nên nội dung các bài học trong các quyển sách coi như mình nắm hết rồi. Tuy nhiên, từ trước đến giờ tôi có thói quen là trước khi lên lớp tôi phải xem qua nội dung, nhất là bây giờ việc dạy các cháu học sinh có nhiều thay đổi.”

Kể về sự ra đời của lớp học tình thương của mình, bà giáo Nương cho biết, năm 1997 bà bị u nang, sau khi phẫu thuật xong, sức khỏe không cải thiện mấy nên bà xin nghỉ dạy sớm. Sau một năm tĩnh dưỡng, sức khỏe tạm ổn, bà Nương thấy trẻ em nghèo địa phương, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc Khmer rất khó khăn trong việc học chữ. Do vậy, bà Nương quyết định mở lớp học tình thương, kèm môn Tiếng Việt và môn Toán từ lớp 1 đến lớp 5 cho các em nhỏ mà không nhận tiền công gì. Kể từ đó, lớp học của bà lúc nào cũng thu hút từ 10 -15 em học sinh theo học, nhất là đến tháng hè, lớp học càng rộn rã hơn.

ba giao Nương 2
Tháng hè lớp học của bà giáo Nương thu hút từ 15 – 20 trò theo học.

 

Chị Lê Thị Diễm có hai con đang theo học lớp học tình thương của bà giáo Nương chia sẻ: “Ở đây người dân rất khâm phục tài dạy chữ của cô giáo nương, đặc biệt là các phụ huynh người dân tộc Khmer. Bởi lẽ đa phần các phụ huynh người dân tộc chữ nghĩa Tiếng Việt rất kém do vậy rất khó khăn trong việc kèm dạy con cái. Ngoài ra, bà con quý mến cô giáo Nương ở chỗ dù cuộc sống của cô rất khó khăn, không có lương hưu, bệnh đau liên miên nhưng suốt 18 năm qua lớp học của cô vẫn duy trì và chẳng lấy một đồng nào của phụ huynh, học sinh”.

Chỉ tấm bảng và số vở trên bàn, cô Nương nói: “Cái tấm bảng là do phụ huynh các em học sinh góp tiền mua tặng, còn số vở kia là các em cựu học sinh (từng học lớp học tình thương của cô) đang làm việc ở Sài Gòn, năm nào các em cũng gửi vở về để tặng cho các em học sinh nghèo. Nói thật mình không có tài sản gì chỉ có kiến thức cho lại các cháu. Khi các cháu có kiến thức, các cháu sẽ giúp được bản thân, gia đình mình và xã hội. Ở vùng này còn nhiều em trẻ em nghèo, việc học hành còn khó khăn lắm,nhất là con em đồng bào dân tộc Khmer. Do vậy, tôi sẽ dạy cho đến khi nào không còn dạy nổi nữa thì mới nghỉ, mặc dù hiện nay ngày nào cũng phải uống thuốc”.

“Mãi mãi nhớ ơn Bác Hồ”

Năm 1965, bà giáo Nương thi đậu tú tài, sau đó về dạy học tại một trường tiểu học “A” xã An Hảo, huyện Tịnh Biên. Đến năm 1975, sau khi miền Nam giải phóng, cô giáo Nương được cấp trên bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường cấp I An Cư (huyện Tịnh Biên, An Giang). Tuy nhiên đến 1979 chiến tranh biên giới xảy ra, cô giáo Nương bị Pôn Pốt bắt làm tù binh, rồi đưa sang Campuchia giam giữ.

Bà giáo Nương kể lại: “Khi tôi và nhiều người dân ở vùng Tịnh Biên bị Khmer đỏ bắt đưa sang Campuchia, cuộc sống khi đó không bằng chết. Có giai đoạn chúng đưa chúng tôi vào rừng sống, chẳng có thức ăn, tôi và bà con phải ăn rau rừng, củ chuối… để duy trì sự sống, chờ bộ đội cụ Hồ đến giải cứu. Trong lúc mọi hy vọng về lại quê hương sắp tắt thì bộ đội cụ Hồ đến giải phóng chúng tôi, đưa chúng tôi về quê nhà. Lúc đó, bà con vui sướng không sao tả được. Bởi vậy, tất cả việc tôi làm trong thời gian tôi còn dạy học cũng như bây giờ là làm theo lời Bác Hồ và nhớ ơn Bác, vì tôi sống được đến ngày hôm nay là nhờ bộ đội cụ Hồ mà bộ đội là con Bác Hồ!”.

Nhiều học trò từ lớp học tình thương của cô giáo Nương hiện là cán bộ xã, huyện và bác sĩ đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh.

Theo bà giáo Nương, năm 1980, bộ đội cụ Hồ đến giải cứu, đưa bà về quê nhà. Đến năm 1981, bà giáo Nương tiếp tục được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang phân công dạy học tại một trường tiểu học “A” Vĩnh Trung. Đến năm 1995 nhờ có nhiều đóng góp tích cực trong giai đoạn đất nước đổi mới, phát triển, bà giáo Nương được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ”; năm 1996, bà được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.

Thầy giáo Lê Ngọc Xuân – nguyên phó Phòng giáo dục huyện Tịnh Biên cho biết, cô giáo Nương là giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong dạy học. Nhất là những học sinh con em đồng bào dân tộc Khmer có học lực kém thì sau thời gian theo học với cô giáo Nương đều nói và viết Tiếng Việt khá chuẩn và bắt đầu theo kịp kịp chương trình chính khóa. Thực tế, từ lớp học tình thương của cô giáo Nương, có nhiều học sinh hiện nay là cán bộ ở xã, huyện, một số là bác sĩ làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh.

Các em học sinh và phụ huynh mang tặng bà giáo Nương những phần bánh, con cá, ký gạo… thay cho tiền học phí.

Qua tìm hiểu chúng tôi mới biết, năm 1997, bà giáo Nương bị u nang không thể đứng lớp được nữa nên bà xin nghỉ dạy ở tuổi 54. Đến giờ, bà giáo Nương không hiểu vì sao bà không được tổ chức xem xét cho nghỉ hưu sớm, nếu tổ chức giải quyết theo chế độ này thì giờ đây bà giáo Nương có lương hưu hàng tháng, cuộc sống bớt vất vả hơn khi không có chồng, con ở tuổi xế chiều.

Hiện nay, bà giáo Nương sống thui thủi một mình trong căn nhà tình thương mà chính quyền địa phương xây dựng đã lâu nay đã xuống cấp trầm trọng. Từ cái ăn, cái mặc, bệnh tật hoàn toàn phụ thuộc vào sự trợ giúp của mấy người cháu và sự yêu thương đùm bọc của bà con hàng xóm qua ký gạo, con cá, miếng bánh… mà các phụ huynh mang tặng cho bà thay cho tiền học phí.

Theo Nguyễn Hành / Dân Trí

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments