Giáo viên tốt luôn được học sinh tôn trọng

Giáo viên tốt luôn được học sinh tôn trọng

07 01, 2015 tuyensinh89

Giáo viên giảng dạy tốt, có phương pháp sư phạm, cách ứng xử linh loạt với từng đối tượng sinh viên, học sinh, hiếm khi lâm vào tình cảnh bị học sinh hành hung, xúc phạm. Thực tế cho thấy học sinh, sinh viên cá biệt có hành vi xúc phạm, hành hung thầy cô giáo, phần lớn rơi vào số giáo viên, giảng viên trình độ, năng lực giảng dạy chưa tốt, phương pháp xử lý tình huống sư phạm, giáo dục học sinh lỳ lợm, cá biệt còn quá cứng nhắc, nặng nề, thiếu kiềm chế được bực tức do sinh viên, học sinh gây ra, nên đã có những lời lẽ chửi bới, xúc phạm quá đáng đến các em. 

Có thể nói, hiện tượng sinh viên, học sinh cá biệt, vô lễ, đe dọa, hành hung thầy cô giáo, thời nào cũng có. Song, so với trước đây thì diện sinh viên, học sinh cá biệt; sinh viên, học sinh vô lễ, đe dọa, hành hung thầy cô giáo thời nay tăng lên nhiều, với tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn, đáng sợ hơn. 

Bây giờ, chẳng xa lạ gì cảnh sinh viên, học sinh  gặp thầy, cô giáo không thèm ngả mũ chào hỏi, thấy thầy giáo viên, ban giám hiệu mà vẫn ngang nhiên hút thuốc lá, cười đùa, thậm chí trêu chọc, chửi bới, vác đá, rượt đuổi, dùng dao đâm chém nhau… Các thầy giáo chúng tôi mới đầu thấy vậy khó chịu lắm nhưng gặp cảnh tượng ấy quá nhiều cũng thành quen, thành bình thường rồi.

Kể cũng lạ, chương trình, sách giáo khoa ở các bậc học phổ thông, một số giáo trình cao đẳng, đại học đâu thiếu những câu chuyện hay, bài học sâu sắc, những chỉ dẫn cụ thể về đạo đức, lễ nghĩa, ứng xử dành cho học sinh trong môn đạo đức, giáo dục công dân và các môn học khác, mà sao số học sinh, sinh viên hư đốn, có hành vi vô lễ, xúc phạm thầy cô hiện nay lại gia tăng?

Trước hết là do vai trò, trách nhiệm giáo dục con cái của gia đình, các bậc làm cha, làm mẹ có phần giảm sút. Vì mải mê làm việc, kiếm tiền nên ít có thời giam chăm sóc, quan tâm tìm hiểu những diễn biến tâm lý, nắm bắt tính cách cũng như những thay đổi phức tạp của con mình. Nhiều gia đình đã khoán trắng mọi chuyện cho nhà trường. Một lẽ khác, thời nay, sinh con ít, từ một đến hai đứa, nên nhiều phụ huynh thương con, chiều chuộng con quá mức, có nhiều trường hợp, con muốn gì được nấy, đâm ra hư hỏng, coi trời bằng vung. 

Thầy giáo đánh học sinh, học sinh đánh lại thầy ngay tại bục giảng – Trường THPT Nguyễn Huệ – Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.

Mấy vụ học sinh đánh và chém thầy cô giáo mới đây, chúng tôi thấy ít nhiều có tác nhân, sự kích động của phụ huynh. Nhiều phụ huynh hoàn toàn tin lời con hơn lời thầy cô giáo, khi gặp giáo viên, chưa rõ sự tình, đầu đuôi, đúng sai thế nào, đã có ngay biểu hiện nóng giận, to tiếng, xúc phạm thầy cô, một mực bênh con mình. 

Thậm chí, có phụ huynh kém hiểu biết pháp luật, kích động xúc giục con, lôi kéo thanh niên xấu bên ngoài đến trường đe dọa, hành hung thầy cô. 

Khi sự việc liên quan giữa học sinh và giáo viên chưa được giải quyết thấu đáo, nếu phụ huynh không suy xét kỹ lưỡng nhiều mặt, cứ bảo thủ, chở che cho con mình thì dễ làm cho sự việc xấu đi, khiến học sinh nghĩ khác và có những hành vi không hay đối với giáo viên. 

Còn đối tượng là sinh viên cao đẳng, đại học, phần lớn các em đi học tập xa nhà, thoát hẳn sự quản lý của phụ huynh. 

Vì  nghĩ đây là đối tượng đã lớn, biết lo lắng rồi nên nhà trường thường ít theo dõi, nắm bắt và rất hiếm có thông tin, trao đổi với phụ huynh. Đến lúc con mình nó hư, vi phạm pháp luật… mới có thể biết thì đã quá muộn.

Mặt khác, chúng ta thấy, môi trường xã hội đang diễn biến phức tạp, cái ác, cái xấu nảy sinh ngày càng nhiều, những tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường có ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến sự hình thành nhân cách, đạo đức thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Làm cho công tác giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên ở nhà trường trở nên khó khăn hơn. 

Do ảnh hưởng của các loại sách báo độc hại, phim ảnh đen, thông tin, hình ảnh độc hại, đầy bạo lực trên mạng internet, khiến nhiều thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nhiễm thói hung bạo. 

Sinh viên, học sinh, với bản tính, lứa tuổi các em thường có những suy nghĩ ,việc làm bồng bột, non dại, manh động, không lường trước hậu quả nghiêm trọng. 

Sinh viên, học sinh thời nay dùng đủ trò để trả thù, “khủng bố”, đe dọa, hành hung  thầy cô giáo, từ ngôn ngữ đến hành động. 

Sự việc thường xảy ra trong trường hợp, thầy cô giáo nghiêm khắc khi kiểm tra, thi cử, hay phê bình nặng lời học sinh, sinh viên trước lớp, hoặc học sinh nghĩ rằng thầy cô giáo đó có ấn tượng ghét bỏ, trù dập mình. Có một sinh viên mới đây chê bai thầy cô, nhà trường đủ thứ trên báo mạng, chỉ vì tức thầy cô giáo cho điểm thi thấp. 

Thầy cô giáo phổ thông chúng tôi, không lạ gì cảnh bị học sinh chửi bới, thậm chí bị đe dọa, hành hung, đón đánh giữa đường vì “tội” coi thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào 10 đúng quy chế và nghiêm túc. 

Có giáo viên, đến cuối buổi thi phải nhờ cậy lực lượng công an áp tải về đến nhà. Lắm lúc, thầy cô giáo thời nay phải biết học cách…sợ sinh viên, học sinh hư hỏng, cá biệt. Áp lực công việc, áp lực “ loạn” vẽ vời, thay đổi xoành xoạch của cấp quản lý Bộ Giáo dục, áp lực tình hình đạo đức, hành vi học sinh, sinh viên sa sút, bất thường…khiến nhiều giáo viên chán nán, rất mỏi mệt. Ai bảo dạy học là nghề nhẹ nhàng, thong dong?

Những giáo viên giảng dạy tốt, có phương pháp sư phạm, cách ứng xử linh loạt, khéo léo, phù hợp từng đối tượng sinh viên, học sinh, hiếm khi lâm vào tình cảnh bị học sinh xúc phạm, hành hung. 

Có một số giáo viên, giảng viên trình độ, năng lực giảng dạy chưa tốt, 

nên đã có những lời lẽ xúc phạm quá đáng đến các em. Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Thực tế cho thấy học sinh, sinh viên cá biệt có hành vi xúc phạm, hành hung thầy cô giáo, phần lớn rơi vào số giáo viên, giảng viên trình độ, năng lực giảng dạy chưa tốt, phương pháp xử lý tình huống sư phạm, giáo dục học sinh lỳ lợm, cá biệt còn quá cứng nhắc, nặng nề, thiếu kiềm chế được bực tức do sinh viên, học sinh gây ra, nên đã có những lời lẽ chửi bới, xúc phạm quá đáng đến các em. 

Thế là, có sinh viên học sinh phản ứng tiêu cực lại thầy cô giáo… Ở trường lớp, mỗi thầy cô giáo có tâm tính, tư cách ra sao, học sinh, sinh viên đều rõ hết. 

Nói như vậy, để thấy rằng, thái độ ứng xử của học sinh, sinh viên còn phụ thuộc rất nhiều vào bản thân, cách đối xử của từng thầy cô giáo. 

Mỗi giáo viên, giảng viên đều phấn đấu trở thành giáo viên giỏi, biết lắng nghe, tôn trọng, luôn công tâm, khách quan trong đánh giá, cho điểm số  và xử lý tốt mọi tình huống liên quan đến học sinh, sinh viên thì nhất định sẽ giảm thiểu được tình trạng học sinh xúc phạm, trả thù thầy cô. 

Từ các trường sư phạm đào tạo giáo viên cũng nên đặt ra những quy chuẩn riêng về năng lực, phẩm chất đầu vào đối với sinh viên và trong quá trình đào tạo cần chú ý giáo dục, hình thành “cái tâm” chuẩn mực, vững vàng của thầy, cô giáo tương lai. 

Có vậy, khi hành nghề ở nhà trường phổ thông, đại học mới bớt đi những việc đáng tiếc, đau lòng, học trò hành hung, xúc phạm giáo viên.

Trường hợp sinh viên, học sinh cá biệt có hành vi đe dọa, xúc phạm, hành hung thầy cô giáo trong quy định ở Điều lệ trường phổ thông, trường cao đẳng, đại học của chúng ta còn chung chung, chưa cụ thể, rất khó vận dụng vào thực tế. 

Hơn nữa, khi xử lý từ nhà trường đến chính quyền, công an thì lại nhẹ nhàng, nặng duy tình nên tính răn đe, làm gương không cao. 

Nền giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ, họ có những quy định xử lý học sinh, sinh viên vi phạm trong nhà trường hết sức cụ thể, chi tiết, chặt chẽ và rất nghiêm khắc. 

Ví dụ, học sinh  cấp THPT, thiếu trung thực, gian nếu vi phạm lần đầu giáo viên sẽ thông báo cho phụ huynh và học sinh đó bị điểm F cho bài thi này, đồng thời bị ghi lại trong hồ sơ cá nhân. 

Nếu vi phạm lần hai, ngoài mức phạt như lần một còn bị tạm đình chỉ học chính khóa và phải tham dự lớp học cuối tuần. Nếu vi phạm lần ba học sinh sẽ bị điểm F cho kỳ học này, đồng thời không được nhà trường giới thiệu xin việc làm, mất đặc quyền nộp đơn xin học bổng và thậm chí không được tốt nghiệp trung học.

Bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments