Im lặng vì sợ lời thật thì hay mất lòng
10 02, 2015 tuyensinh89
Im lặng trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt chuyên đề, chuyên môn… đã trở thành chuyện thường ngày của giáo viên hiện nay.
Một hoạt động của sinh viên ở sân trường ĐH Sư phạm TP.HCM – Ảnh minh họa |
Đọc bài “Thói quen im lặng” của tác giả Vĩnh Hà trên báo Tuổi Trẻ ngày 8-2, tôi hết sức đồng tình vì tác giả đã nói thật đúng về sự im lặng đáng sợ đã trở thành chuyện thường ngày của ngành giáo dục, nhất là ở khối tiểu học.
Đúng như tác giả nói: “Bản lĩnh của giáo viên khi bị đặt vào lối mòn đó cũng được bào mòn theo năm tháng. Không dám, không muốn và không hi vọng vào một sự đổi khác bằng sức mạnh nhỏ nhoi của bản thân mình, đó là suy nghĩ của không ít giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học, những người đang phải chịu sự quản lý, kiểm soát về chuyên môn của nhiều cấp quản lý khác nhau. Những giáo viên thật sự còn giữ cho mình “tinh thần phản biện” và năng lực sáng tạo không tránh khỏi cảm giác cô đơn trong một môi trường im lặng là vàng”.
Im lặng trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt chuyên đề, chuyên môn… đã trở thành chuyện thường ngày của giáo viên hiện nay.
Im lặng vì sợ bị ghét bỏ, bị để ý, bị trù dập, bị “đì”. Im lặng vì thấy rằng nói cũng như không, cũng chẳng thay đổi được gì để rồi “không thèm nói nữa”. Và khi buộc phải nói thì người nói đã “dối lòng”: chỉ khen hay ủng hộ mà thôi.
Bản thân tôi là người thẳng thắn, thường xuyên nêu ý kiến trong các cuộc họp, hay viết những bài báo nói thẳng nói thật về những vấn đề liên quan đến ngành giáo dục…
Sau mỗi lần như thế tôi nhận được sự đồng tình, những lời khen ngợi từ bạn bè, đồng nghiệp: “Nói đúng lắm”, “Nói hay lắm”… nhưng kèm theo đó không ít lời nhắc nhở: “Lời thật coi chừng mất lòng đó nha!”, “Bài báo đó nói thẳng quá coi chừng bị đì đó”, “Ý kiến hoài có thay đổi được gì đâu mà còn bị ghét thêm”…
Một số bạn bè, đồng nghiệp của tôi mới định cư ở nước ngoài vài năm nay, khi đọc những bài báo tôi viết về ngành qua Internet cũng mail về thăm hỏi: “Viết như vậy có bị gì không? Coi chừng đó!”.
Qua những bài báo trung thực, thẳng thắn mà tôi viết ấy, tôi cũng gặp không ít cái nhìn không mấy thiện cảm. Một vị hiệu trưởng thân tình đã nói với tôi: “Bớt bớt ý kiến ý cò lại đi thầy”. Những điều ấy đã làm tôi không ít băn khoăn.
Thói quen im lặng lây lan, đã có lúc tôi muốn im lặng như mọi người. Cảm ơn bài viết “Thói quen im lặng” đã giúp tôi tự tin hơn để tiếp tục mạnh dạn nói thẳng nói thật bởi như bài báo đã nói: ”Im lặng đã nuôi dưỡng sự giả tạo, những thành tích ảo, những thành công được nhìn nhận phiến diện”.
Theo LÊ PHƯƠNG TRÍ / tuoitre.vn