Trách nhiệm giáo dục thuộc về ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội?

Trách nhiệm giáo dục thuộc về ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội?

01 04, 2015 tuyensinh89

Trách nhiệm giáo dục thuộc về ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội? có nhiều người đổ lỗi cho đó là bị tác động bởi “mặt trái của kinh tế thị trường”.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cảnh bạo lực học đường mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa: Học sinh nữ đánh bạn chỉ vì bạn học giỏi hơn mình, đánh bạn chỉ vì cái nhìn “đểu”, đánh bạn chỉ vì… với muôn vàn những nguyên nhân nhỏ bé khác nhau, làm cho chúng ta đều có một cảm giác rằng, giới trẻ hiện nay đang mất dần “nhân tính”….

Trách nhiệm giáo dục thuộc về ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội? có nhiều người đổ lỗi cho đó là bị tác động bởi “mặt trái của kinh tế thị trường”, có người đổ lỗi cho đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, văn hoá xấu xa trên mạng làm giới trẻ bị ảnh hưởng..v.v…! 

Thử hỏi, ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển hơn chúng ta hàng trăm năm; những nước phát triển công nghệ thông tin trước ta hàng chục thập kỷ… chắc họ cũng bị và còn bị tình trạng này thậm tệ hơn Việt Nam? Xin thưa, không có chuyện ấy đâu ạ! 

Tôi thấy các nước đó đều có nền kinh tế phát triển, nền giáo dục hoàn hảo mà bây giờ… chỉ con cái những nhà lắm tiền mới được qua đó học tập… 

Vậy thì lỗi ở đâu? Theo tôi, ở cả 3 môi trường: Gia đình – Nhà trường – Xã hội, nhưng trong đó nhà trường giữ vai trò quan trọng nhất…

Trước hết, cần phải nói đến chương trình đạo tạo: Chúng ta đã quá chú trọng đến các môn học tự nhiên, mà thiếu tập trung vào những môn học mang tính giáo dục đạo đức, nhân cách con người như Văn, Đạo đức, Lịch sử,… Thử hỏi, các môn Toán, Lý, Hoá có giúp được gì nhiều cho chúng ta trong cuộc đời (trừ những người chuyên về một số ngành có liên quan đến 3 môn đó), trong khi đó, những môn đó lại chiếm quá nhiều thời lượng học tập…

Trong đời sống hàng ngày, bao nhiêu phần trăm (%) dân số phải áp dụng Toán, Lý, Hoá? Bao nhiêu vấn đề đòi hỏi phải giải phương trình, phải khai căn bậc 2,…? 

Hôm trước, đi họp phụ huynh cho con, thầy giáo cháu nói với tôi: “Con nhà anh nó bướng lắm đấy, tôi bảo cháu hãy cố gắng chút nữa, thì môn toán sẽ đạt điểm cao hơn…Thế mà nó nói lại luôn: con học toán, sau này chỉ cần để biết đếm tiền, ngoài ra nó có giúp ích gì hơn cho cuộc sống đâu”…

Các bạn thử nghĩ xem, con tôi nó nói cũng có cái lý đấy chứ?

Nhìn chung chương trình giáo dục còn quá nặng, học sinh suốt ngày cắm đầu, cắm cổ vào học: học chính khoá ở trường, học phụ đạo, rồi mỗi môn học lại có gia sư kèm thêm…nhìn thấy con cháu chúng ta học ngày nay mà thấy thương chúng nó quá, chẳng có thời gian nghỉ ngơi, những bộ óc còn non trẻ đang trong giai đoạn hình thành và phát triển đã phải làm việc quá sức…

Nhưng không học thì không theo được chương trình. Vì vậy, cần tính toán để giảm tải chương trình (nhất là các môn học tự nhiên) và tăng thêm thời lượng các môn giáo dục nhân cách con người như Văn học, Đạo đức, Giáo dục công dân, Lịch sử, luật pháp…

Một vấn đề nữa ít người quan tâm, nhưng tôi thấy cũng cần phải phân tích, đánh giá, nhìn nhận một cách nghiêm túc. Đó là việc phân chia theo khối để dự thi đại học – đây chính là nguyên nhân làm cho học sinh học “lệch”, chỉ chú trọng vào những môn mà mình sẽ thi đại học, còn các môn khác thì chỉ học cầm chừng, dẫn đến tình trạng, tốt nghiệp THPT nhưng kiến thức “phổ thông” thì lại hổng lỗ chỗ… 

Để giải quyết vấn đề này, nên chăng cần kết hợp kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi vào ĐH làm một và không phân chia theo khối dự thi đại học như hiện nay nữa; Đồng thời, cũng xoá bỏ luôn việc “phân ban” đang tồn tại trong các trường phổ thông.

Nhồi như nhồi gà đem bán

Hai là phương pháp dạy học: Tôi có cảm nhận rằng, chúng ta đang thực hiện phương pháp “nhồi nhét” kiến thức cho học sinh (cứ như là mấy bà buôn gà vịt nhồi nhét cơm nguội cho đầy bụng gà, vịt rồi đem ra chợ bán kiếm lời vậy). Không tạo được cho học sinh phương pháp tự nghiên cứu, phát triển tư duy, tính sáng tạo. 

Các bài toán toàn ra theo kiểu “đánh đố” học sinh,…Còn văn học thì chỉ đi theo lối mòn từ bao đời nay… Nhiều học sinh có cảm thụ, cảm nhận về bài văn, về nhân vật khác với giáo án thì cho là không đúng. Bởi thế mới có câu chuyện vui kể rằng khi nhà văn Tô Hoài giúp cháu mình phân tích bài “Dế mèn phưu lưu ký”… bữa sau, bài ấy cô giáo chấm bài, cho điểm kém và ghi: “Không đúng ý tác giả”. 

Ngày xưa, tôi rất vui mừng mỗi khi thấy học sinh Việt Nam đoạt giải cao trong các kỳ thi Toán quốc tế, có lần tôi hỏi một chuyên gia toán học của Bộ Giáo dục – Đào tạo, ông ấy cười và nói: “Hầu như các nước không có học sinh chuyên toán như ta, họ tuyển chọn học sinh giỏi từ các kỳ thi, còn ta thì chọn một số em xuất sắc ở các trường chuyên, lớp chọn đưa về “nhồi nhét” thêm kiến thức rồi đưa đi thi…nên không được huy chương mới là chuyện lạ…Cậu cứ nhìn xem, ta được bao nhiêu huy chương quốc tế rồi, nhưng ta đã có được nhà Toán học nào tầm cỡ quốc tế đâu…” !?

Tôi đã từng được dự giờ của học sinh tiểu học ở Nhật Bản. Như chúng ta đều biết, nước Nhật chú trọng như thế nào đến giáo dục, nhưng học sinh của họ so với học sinh Việt Nam nào có hơn gì, tôi thấy có bài toán rất dễ mà nhiều học sinh làm vẫn sai…Nhưng sao Nhật lại tạo ra được nhiều chuyên gia chất lượng quốc tế như vậy? Tại sao nước Nhật lại phát triển như vậy? 

Tất nhiên là có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là hệ thống giáo dục, đào tạo của Nhật rất hoàn hảo… Chắc mọi người đã từng nghe, ở Nhật khi học sinh đến trường, giáo viên luôn nhắc nhở: “…Các con là những kẻ bất hạnh vì các con sinh ra ở một đất nước nghèo nàn, không có tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên có thiên tai dịch hoạ… Một đất nước bại trận trong chiến tranh…. Tương lai của đất nước phụ thuộc vào sự học tập, phấn đấu của các con…” 

Còn chúng ta thì ngược lại “…Đất nước ta giàu đẹp… rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu…sông biển lắm cá tôm, lại thêm gỗ quí trên rừng, than, sắt, bạc vàng dưới đất…”….

Đến bất cứ trường học nào cũng đều có khẩu hiệu to tướng đập vào mắt chúng ta “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng tôi có cảm tưởng rằng, chúng ta mới thực hiện được có một vế sau (dù vế đó cũng chưa được tốt), còn vế trước “Tiên học lễ” thì có lẽ bị bỏ rơi, buông lỏng… Các môn học về “lễ” đó bị coi thường, học sinh thì không quan tâm (phải tập trung vào các môn văn hoá cần thiết khác), giáo viên thì chán nản… 

Và hậu quả là ngày nay chúng ta phải gánh chịu tình trạng bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật nghiêm trọng, quan hệ thày trò không còn giữ được những nét đẹp truyền thống “Tôn sư, trọng đạo”, “dạy một chữ cũng là thày, nửa chữ cũng là thày”. 

Thật xót xa, khi nghe con gái của cô giáo tôi nói với mẹ, khi chúng tôi đến thăm cô nhân ngày 20/11 “Sao thời của mẹ lại có những thế hệ học sinh tuyệt vời đến vậy, ra trường đã mấy chục năm rồi, mà ngày 20/11 năm nào cũng đến chúc mừng các thày, cô giáo cũ, bọn con bây giờ học xong là quên ngay”.

Vị trí người thày

Ba là vai trò, trách nhiệm của người thày giáo. Cần nhấn mạnh rằng, vai trò của người thày là cực kỳ quan trong vì phải làm nhiệm vụ “trồng người”. Tôi còn rất nhớ trong những năm đất nước chiến tranh, khó khăn về mọi mặt, nhưng những hình ảnh thày, cô đêm đông giá rét, chân lội bùn đến từng nhà học sinh để kèm cặp, bảo ban; chia từng miếng cơm, manh áo với những học trò nghèo, động viên học trò vượt qua khó khăn để học tập… 

Những hình ảnh ấy luôn là điểm sáng trong tim, trong tâm hồn, không bao giờ phai mờ trong ký ức…. Nhưng trong những năm gần đây, bầu nhiệt huyết “vì học sinh thân yêu” dường như đã giảm đáng kể… Nói ra thì nhiều nguyên nhân lắm, nhưng xin mọi người đừng vội đổ trách nhiệm cho những người thày, người cô kính yêu của chúng ta…

Nghề giáo – là nghề cao quí nhất, chỉ có nghề giáo mới được gọi là “Thầy”, là “Cô”. Đúng là hiện nay có nhiều hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ những người làm công tác giảng dạy; có thày, cô ở chỗ này, chỗ nọ làm hoen ố phẩm chất tốt đẹp của người giáo viên… Nhưng về cơ bản, đa số các thầy, cô vẫn giữ vững được phẩm chất trong sạch, vẫn lên lớp với trái tim, nhiệt huyết nghề nghiêp. 

Đất nước ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, ngoài những thành tựu đã đã được, thì chúng ta cũng cần phải chấp nhận “mặt trái” của nó tác động vào từng con người và từng mối quan hệ xã hội, trong đó có nghề giáo. Tại sao các nghành nghề khác, các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn mà lại đòi hỏi nghề giáo phải “trong sạch” theo cái kiểu “ăn sư, ở phạm”? 

Nói như vậy, không phải là khuyến khích các nhà giáo “tiêu cực” mà muốn nói lên rằng, so sánh mức thu nhập trong xã hội hiện nay thì nghề giáo (theo tôi) có lẽ là thấp nhất. Chúng ta ai cũng biết “vật chất quyết định ý thức”, khi “vật chất” chưa đảm bảo thì “ý thức” sẽ như thế nào rồi, cũng như các cụ nhà ta thường nói “có thực mới vực được đạo”……

Vì vậy, không có gì tốt hơn là tăng lương cho đội ngũ những người làm công tác giảng dạy, đồng thời phải loại bỏ ngay những người không còn đủ năng lực, phẩm chất ra khỏi ngành, có như vậy, các thầy cô mới yên tâm mà dốc “bầu tâm huyết” cho “học sinh thân yêu”…. Đang viết bài này thì anh bạn tôi qua chơi, biết tôi đang luận bàn về chủ đề giáo dục… anh liền tâm sự: “Anh biết không, bố em làm Hiệu trưởng một trường THPT hàng chục năm nay, mà chưa bao giờ có đủ tiền cho gia đình đi nghỉ mát một lần…”… Ôi, câu nói của anh làm tôi cảm thấy nao lòng đến vậy!!!

Đất nước ta có được “vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không” phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, điều kiện khác nhau, nhưng trong đó sự nghiệp giáo dục giữ vai trò quyết định.

Không phải nhà nghiên cứu phê bình, tôi nghĩ thế nào thì viết vậy, có điều gì chưa đúng xin được lượng thứ và mong các thầy, cô, anh, chị chỉ bảo thêm.

Theo Phạm Minh An / giaoducvietnam.vn

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments