“Ám ảnh” về khả năng thất nghiệp khi quyết định chọn nghề
10 02, 2015 tuyensinh89
Trong sự phát triển của nền kinh tế hiện nay, xu hướng phát triển các ngành nghề là không dễ để dự đoán trước được. Điều này đã khiến các bạn trẻ ngày càng phân vân giữa những lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho bản thân mình.Vậy có cách nào giải quyết được tình trạng này hay không?
Thực tế, với những ngành được đánh giá là “sang” như Tài chính, Ngân hàng,…hiện nay đã không còn nhu cầu cao về nguồn nhân lực mà nguyên nhân đa phần xuất phát từ sự suy thoái kinh tế chung trên toàn cầu. Trong khi đó, một số ngành như sư phạm mầm non, tiểu học dù hàng năm số lượng các bạn trẻ tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, trung cấp mầm non là rất nhiều nhưng lại luôn thiếu nhân lực trầm trọng do đặc thù ngành này được đánh giá là khá vất vả, lại đi kèm với trách nhiệm nặng nề… Chính vì vậy, tâm lý chung của không ít các bạn trẻ là thay cho lo lắng sợ không đủ khả năng, điều kiện để theo đuổi ngành mình yêu thích thì giờ đây không ít học trò lại “ám ảnh” về khả năng thất nghiệp khi quyết định chọn nghề.
Băn khoăn nỗi lo thất nghiệp
“Ngành nghề em đã yêu thích và lựa chọn từ lâu đúng với khả năng của mình. Nhưng gần đây tìm hiểu về thị trường lao động của ngành nghề này thấy nhu cầu tuyển dụng ít, ra trường lo bị thất nghiệp. Vậy em có nên chuyển sang chọn công việc khác có nhu cầu tuyển dung cao dù mình không yêu thích, không khả năng?”.
Thắc mắc của một học trò Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TPHCM tại chương trình “Tư vấn mùa thi 2015” do chuyên đề VTM (báo Giáo dục TPHCM) tổ chức cũng là lo lắng của rất nhiều học sinh (HS) trong việc lựa chọn ngành nghề hiện nay.
Một nữ sinh tên Hương cũng bày tỏ, bản thân mê sâu khấu kịch, tìm hiểu từ nhỏ và xác định sẽ theo đuổi công việc này. Gần đây, gia đình liên tục phản đối vì cho rằng nghề này ra trường không thể có được việc làm, nên tìm công việc thông thường hơn.
Nguyễn Mạnh Hưng, HS lớp 12 ở quận Bình Thạnh, TPHCM cũng đang lấn cấn giữ hai lĩnh vực. hưng nói, mình yêu thích và đủ khả năng thi vào ngành Ngân hàng tài chính của một trường top.
Nhưng Hưng quen nhiều anh chị học ngân hàng, ra trường nhiều năm vẫn đang lông bông khuyên cậu… đừng ảo tưởng về ngành nghề tưởng là sang này. Cậu hoang mang nghĩ vài năm ra trường thất nghiệp nên đang cân nhắc thi vào ngành nhu cầu cao hơn như Kỹ thuật hoặc Sư phạm rồi sau này tính tiếp.
“Em xác định được ngành nghề mình yêu thích cũng như khả năng nhưng không dám liều. Ra trường kiếm được việc làm mới là điều quan trọng nhất”, Hưng bộc bạch.
Tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp, khó kiếm việc làm những năm gần đây đã tác động lớn đến việc lựa chọn ngành nghề tương lai của học trò. Không những bản thân các em lo lắng mà phía phụ huynh cũng có xu hướng khuyến khích con vào những ngành nghề có nhu cầu cao. Mặt tích cực cho thấy việc chọn nghề đã thực tế hơn, giảm được tình trạng “đi trên mây” nhưng có thể lại xảy ra thực trạng chọn nghề theo kiểu “coi nhẹ” khả năng, đam mê.
Yêu thật thì đừng sợ!
Ông Trần Anh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TPHCM cho hay, trước đây thí sinh thường băn khoăn mình không đủ khả năng, điều kiện để chọn ngành nghề nào đó. Nhưng gần đây có nhiều trường hợp bối rối do có điều kiện theo đuổi ngành nghề mình yêu thích nhưng không e ngại khả năng ra trường khó có việc làm.
Ông Tuấn cho hay, thị trường lao động TPHCM trong những năm tới, các ngành nghề sẽ có nhu cầu nhân lực khác nhau. Dự báo giai đoạn 2015 -2015 và đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại TPHCM mỗi năm có khoảng 260.000- 270.000 chỗ làm việc, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới.
Tổng nhu cầu nhân lực các nhóm ngành nghề Kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế- Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính chiếm 33%, nhóm ngành Khoa học tự nhiên chiếm 7% và các nhóm ngành khác chiếm 3-5%.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thị trường lao động TPHCM nói riêng và cả nước nói chung trong những năm tới sẽ mở rộng hơn nhưng tính cạnh tranh ngày càng cao. Người ta không quan tâm nhiều tới số lượng mà quan trọng nhất là chất lượng nhân sự có đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng không.
“Nếu các bạn xác định rõ được ngành nghề mình yêu thích, có khả năng thì không có gì phải sợ. Khi theo đuổi công việc nào, các bạn phải thật sự nỗ lực. Doanh nghiệp sẽ đòi hỏi người lao động các yếu tố về chuyên môn, thái độ, kỹ năng, khả năng tư duy”, ông Tuấn nói.
Để xác định nên “liều” với một ngành nghề nào đó hay không, thí sinh cần xác định rõ khả năng, điều kiện cũng như đam mê của bản thân. Còn bạn từ bỏ ngành nghề mình thật sự yêu thích lái sang lĩnh vực khác sau này dễ rơi vào bi kịch theo học nghề mình không có khả năng, không yêu thích.
Một điều đáng lo ngại, theo các chuyên gia nhân sự chính là việc hướng nghiệp chưa hiệu quả, các bạn trẻ chọn nghề theo cảm tính, dễ ngộ nhận mình yêu thích công việc nào đó rồi lao theo bằng được. Một khi đặt tình yêu không đúng chỗ thì việc “liều” cũng phải trả giá đắt.
Nguồn: dantri.com.vn