Dạy chữ phải song song với dạy đạo đức
25 12, 2014 tuyensinh89
Về dự hội thảo về bạo lực học đường, đại biểu ở Đắk Lắk vẫn còn bàng hoàng bởi hai vụ học trò đánh nhau dẫn đến chết người vừa xảy ra ở địa bàn. Cho dù, địa phương đã làm mọi cách để ngăn chặn nhưng không có kết quả.
Các lý do muôn thở vẫn thường được nhắc đến khi nói đến tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) hiện nay như học sinh (HS) đang ở tuổi lớn thích thể hiện “cái tôi”, thiếu kỹ năng sống, gia đình chưa quan tâm, nhà trường chưa sâu sát, ảnh hưởng của phim ảnh, game bạo lực…
Ngoài những lý do trên, tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông” diễn ra tại TPHCM sáng 24/12, nhiều đại biểu đã chỉ ra vấn đề phải chăng đó là hậu quả của việc giáo dục chú trọng dạy chữ mà quên dạy làm người.
Chúng ta chỉ chú trọng dạy chữ!
Bà Lê Thị Thảo, Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk mang đến hội thảo hai vụ việc học trò đánh nhau dẫn đến chết người vừa xảy ra ở địa bàn mình. Đầu tháng 11, một HS lớp 9 đâm bạn chết trong trường học vào giờ ra chơi. Sau đó không lâu, cuối tháng 11, hai em HS lớp 6 và lớp 5 đánh lộn, em học sinh tiểu học lấy cành cây đánh làm em HS lớp 6 tử vong sau khi vào viện cấp cứu.
“Chúng tôi đã áp dụng rất nhiều biện pháp, các giải pháp mà đại biểu đặt ra ở đây, chúng tôi cũng làm hết rồi nhưng BLHĐ vẫn diễn ra và ngày càng nhiều nguy cơ lớn đến mức phải báo động”, bà Thảo nói.
“Gần đây Bộ GD-ĐT rất chú trọng, tập trung đến các vấn đề chuyên môn dạy học, hội nghị này đến hội thảo khác về chuyên môn, về đổi mới học tập, thi cử. Nhưng các vấn đề về đạo đức, lối sống HS rất ít được đề cập, có một chương trình về lối sống cho học trò dự kiến được tổ chức ở Hải Phòng nhưng rồi hoãn từ tháng 11, sang tháng 12, rồi hoãn không biết đến bao giờ. Có lẽ phải nhường lại hết cho vấn đề thi cử, học hành”, bà Thảo thẳng thắn.
Cho dù TS Ngô Minh Oanh, người chủ trì hội thảo lên tiếng “nói vậy thì hơi oan cho Bộ” nhưng ý kiến của bà Thảo làm vỡ òa cả hội trường bởi những tràng pháo tay đồng tình của các đại biểu, chỉ ra một thực tế mà chúng ta chưa thật dám nhìn thẳng.
Chúng ta giơ cao khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, lúc nào cũng nghe lãnh đạo yêu cầu “chú trọng dạy người bên cạnh dạy chữ” nhưng các hành động, chủ trương cho việc “dạy người” rất mờ nhạt, bị át bởi dạy chữ. Hay có thể nói, việc dạy đạo đức cho HS đang trong trạng thái: kêu gọi nhiều nhưng làm rất ít.
Sản phẩm giáo dục bị lỗi?
Ông Phạm Văn Khương, Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận cho hay, đã đến lúc chúng ra phải đặt câu hỏi “Sản phẩm giáo dục của chúng ta như thế nào?” một cách nghiêm túc. Sản phẩm giáo dục ở đây không chỉ đánh giá trong quãng đời HS, SV vì đánh giá trong trường học chưa đủ, phải đánh giá ngoài nhà trường.
Ông Khương nhấn mạnh khi các em rời khỏi trường học, thể hiện mình trong môi trường xã hội mới là biểu hiện của sản phẩm giáo dục. Sản phẩm đó bây giờ, theo ông Khương “Bước vào đời sống xã hội, hành vi bạo lực của nhiều em còn khủng khiếp hơn khi đang đi học rất nhiều”.
Đại biểu này cho rằng, chúng ta phải xem lại việc dạy đạo đức ở trường học. Không phải cái gì cũng lồng ghép, tích hợp vào một chút rồi bằng lòng rằng mình đã thực hiện dạy người thì phải xem lại ngay. Giáo dục phải thật sự thay đổi về chất, việc đo lường học lực – hạnh kiểm như lâu ngay là quá hạn hẹp.
Để thực hiện, các đại biểu nói phải đi đôi với làm, cần có những chủ trương cụ thể hóa việc giáo dục đạo đức HS trong nhà trường. Còn cứ hội nghị này, hội thảo khác xong rồi để đó thì không giải quyết được vấn đề gì. Ngoài vấn đề bạo lực giữa HS với HS thì tình trạng bạo lực giữa giáo viên và HS cũnglà vấn đề được nhiều người đặt ra.
Một trong những giải pháp được đặt ra nhiều nhất là xây dựng phòng tư vấn tâm lý ở trường học. Nhưng hiện nay chúng ta không có định biên chính thức cho bộ phận tư vấn tâm lý trong trường học, ngoài TPHCM có chính sách “phá cách”. Thành ra, hầu hết các trường có giải pháp nhưng… không thực hiện được.
Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, Thông tư 08 về khen thưởng, kỷ luật HS ban hành từ năm 1988 đã không còn phù hợp khi đưa vào thực tế hiện nay. Đồng thời kiến nghị cần có chính sách định biên chính thức cho đội ngũ tư vấn tâm lý ở trường học trong cả nước để góp phần hỗ trợ tâm lý cho HS.
Theo Hoài Nam / Dân Trí