Dạy học theo chủ đề tạo sinh khí mới cho giáo dục miền núi

Dạy học theo chủ đề tạo sinh khí mới cho giáo dục miền núi

04 04, 2015 tuyensinh89

Vượt qua những khó khăn, trong thời gian qua các trường THPT vùng núi đã triển khai thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo chủ đề tích hợp.
Giờ học của cô trò Trường THPT Minh Long, huyện Minh Long (Quảng Ngãi)

Với những kết quả bước đầu mang lại, cán bộ, giáo viên các trường phấn khởi nhìn nhận rằng, đây là một giải pháp chuyên môn mang tính đột phá, mở ra bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy và học cho giáo dục miền núi – giáo dục dân tộc, đồng thời là bước chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong thời gian tới.

Nhà trường hào hứng triển khai

Những ngày đầu năm mới, đến thăm các trường học miền núi tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi thật sự cảm động khi được hòa trong không khí sôi nổi, hào hứng của giáo viên lẫn học sinh trong giờ học với phương pháp dạy học theo chủ đề.

Năm học 2014 – 2015 là năm học đầu tiên Trường THPT Minh Long (huyện miền núi Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) đưa hoạt động dạy học theo chủ đề tích hợp trở thành một trong những hoạt động chuyên môn trọng điểm của nhà trường.

Theo thầy Trường Văn Nhơn – Hiệu trưởng Trường THPT Minh Long, đây là một nỗ lực nhằm thể hiện quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường xem việc áp dụng phương pháp dạy học theo chủ đề tích hợp là hoạt động chuyên môn mang tính đột phá, mở ra bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy và học trong năm học 2014 – 2015 và những năm học tiếp theo.

Thầy Nhơn cho biết, việc triển khai dạy học theo chủ đề tích hợp đã được ngành GD&ĐT triển khai thực hiện mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay, tại Trường THPT Minh Long chỉ mới bắt đầu được triển khai ở mức độ khuyến khích đội ngũ giáo viên chủ động, linh hoạt lồng ghép triển khai ở những bộ môn phù hợp.

Từ đó tạo sức lan tỏa để mỗi giáo viên tự rèn luyện, bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học sinh làm quen với môi trường học tập mới theo hướng giải quyết các vấn đề, tình huống thực tế.

“Song song với đó, các tổ bộ môn thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, khuyến khích giáo viên thực hiện dạy học theo chủ đề, chủ điểm có nội dung liên quan nhiều môn học gắn liền với thực tiễn.

Qua đó, giúp đội ngũ giáo viên phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ trong dạy học; đồng thời trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, giao lưu, học hỏi lẫn nhau, thông qua hình thức dự giờ phân tích phương pháp sư phạm cũng như hoạt động học tập của học sinh để đánh giá, trao đổi các ưu điểm, hạn chế khi triển khai dạy học theo chủ đề”, thầy Lưu Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi) chia sẻ.

Theo đó, các trường đã có bước thay đổi về công tác quản lý, chỉ đạo, công tác thi, đánh giá kết quả học tập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học mới này. Nhất là tạo điều kiện cho giáo viên phát huy sáng tạo, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.

Giáo viên tích cực chủ động

Theo lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, thời gian vừa qua, đội ngũ giáo viên đã được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh. 

Thầy Nguyễn Thanh Cảnh – Hiệu trưởng Trường THPT Ba Tơ (huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi) cho hay, mặc dù nhà trường luôn khuyến khích giáo viên thực hiện dạy học theo chủ đề, tuy vậy, muốn đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học thì một mặt đội ngũ giáo viên cần phải nâng cao năng lực chuyên môn lẫn năng lực sư phạm, mặt khác cần phải có hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng được yêu cầu dạy học.

Tuy nhiên, nhìn lại điều kiện các trường học miền núi hiện nay, cả về yếu tố con người lẫn yếu tố trang thiết bị phục vụ dạy học còn nhiều hạn chế. Đây là vấn đề đặt ra cần được giải quyết trước khi thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong những năm học tới.

Là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Vật lý khối 10 và môn Công nghệ khối 11 được nhà trường đánh giá có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng phương pháp dạy học theo chủ đề tích hợp trong thời gian qua, cô giáo Đinh Thị Thanh Mai – Trường THPT Minh Long chia sẻ, sau khi tham gia các lớp tập huấn do Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức, hầu hết giáo viên tham gia giảng dạy đều mong muốn triển khai áp dụng ngay, mặc dù lúc đầu có thể còn nhiều lúng túng chưa thật sự có kết quả tốt vì chưa quen.

Bởi vì, muốn tiếp cận được với phương pháp dạy học theo chủ đề đòi hỏi người giáo viên phải đảm bảo được trình độ năng lực về chuyên môn, công nghệ… Ngoài ra, giáo viên phải dành nhiều thời gian hơn để đầu tư biên soạn giáo án, kết hợp với việc sử dụng các thiết bị đồ dùng dạy học, các tài liệu… cho đến công tác đánh giá năng lực giải quyết các vấn đề, tình huống của học sinh theo yêu cầu bài học đặt ra.

Theo kinh nghiệm đúc rút của thầy Lưu Thanh Hải – Trường THPT Quang Trung thì khó khăn của giáo viên khi dạy tích hợp, liên môn không nằm nhiều ở vấn đề nội dung mà ở vấn đề phương pháp dạy học.

Chính vì vậy, khi mới bắt đầu triển khai, mỗi giáo viên cần xác định được những năng lực có thể phát triển cho học sinh trong mỗi chủ đề bài học. Trên cơ sở đó, tiến hành biên soạn các câu hỏi, xây dựng các dạng bài tập để đánh giá năng lực của học sinh trong dạy học, thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học của học sinh.

Từ đó, giúp học sinh dần dần tiếp cận với phương pháp học tập, hình thành kỹ năng học tập theo phương pháp hoạt động nhóm, tránh được tình trạng học sinh không ngồi chơi, ỉ lại, còn giáo viên giảng dạy theo lối truyền thụ kiến thức một chiều.

Đây không chỉ là mục tiêu hướng tới của phương pháp dạy học theo chủ đề mà còn là nhiệm vụ của giáo viên và các trường học vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi mà lâu nay chúng ta vẫn duy trì hình thức dạy học theo kiểu hàn lâm “thầy giảng trò nghe”. Muốn vậy, đòi hỏi giáo viên phải chịu khó nghiên cứu, đầu tư công sức, thời gian, tâm huyết nhằm làm chủ các phương pháp dạy học mới. 

Làm thế nào để giúp đội ngũ giáo viên và học sinh các trường học miền núi, vùng đồng bào dân tộc tiếp cận và phát huy được tính ưu việt của phương pháp dạy học này thì còn gặp phải rất nhiều khó khăn. So với các trường THPT vùng đồng bằng, thành thị, việc triển khai thực hiện dạy học theo chủ đề tích hợp được các trường miền núi, vùng đồng bào dân tộc có chậm hơn và gặp phải nhiều trở lực trong những điều kiện đặc thù của giáo dục miền núi – giáo dục dân tộc. 

Theo Đại Thắng

Giáo dục & Thời đại

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments