Dạy thêm, học thêm – bức xúc cứ nói thẳng nhưng đừng tổn thương nhà giáo

Dạy thêm, học thêm – bức xúc cứ nói thẳng nhưng đừng tổn thương nhà giáo

27 12, 2014 tuyensinh89

Dạy thêm chỉ có ba đối tượng, một là những người tâm huyết với nghề, dạy thêm không nhằm mục đích kiếm tiền mà là tình yêu đối với con trẻ, hai là những người thực sự có năng lực, được phụ huynh và học sinh tin tưởng và ba là những người “chọn nhầm” nghề, họ muốn làm giàu bằng nghề dạy học.

Bài viết “Một thầy giáo ở Hải Dương tổ chức dạy thêm ngay tại nhà ” nhận được 176 bình luận với 27 nghìn chia sẻ trên facebook chứng tỏ dư luận đang có nhiều ý kiến về các quy định dạy thêm, học thêm mà Bộ GD&ĐT ban hành.

Có hai văn bản liên quan đến vấn đề này là Chỉ thị 5105/CT-BGDĐT “Về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học” và Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT  “Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm” (thông tư 17).

Có thể đang có một sự nhầm lẫn khi nói Bộ GD&ĐT “cấm” giáo viên dạy thêm. Khoản 4 điều 4 Thông tư 17 quy định:

“ Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

“Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;  Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”.

Là một giáo viên nghỉ hưu đã nhiều năm, giờ đây có thể coi là người “ngoài cuộc”, xin nêu một vài suy nghĩ để bạn đọc cùng trao đổi.

Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, có một chuyện “tiếu lâm hiện đại” lan truyền khắp các quán nước vỉa hè, ngày nay chỉ những người U60-U70 may ra là còn nhớ. Câu chuyện như sau:

“Có một tên cướp chặn một người để cướp tiền, lục khắp người chỉ có mấy hào lẻ, tên cướp tức giận hỏi “mày làm nghề gì, trông ăn mặc lành lặn thế mà không có tiền?”. Người bị cướp trả lời “tôi là phó tiến sĩ, làm nghề dạy học”, tên cướp hỏi “phó tiến sĩ là cái gì?”. Người bị cướp giải thích mãi tên cướp vẫn không hiểu “phó tiến sĩ là gì”. Tức quá, tên cướp nhét vào tay người bị cướp 5 đồng và nói “cút, cho mày 5 đồng đi ăn phở”, người bị cướp ngỡ ngàng hỏi lại “thế phở là gì?”.

Chuyện tiếu lâm dân gian tuy là hư cấu, không có thật, nhưng nó không phải từ trên trời rơi xuống, nó có nguồn gốc từ cuộc sống thực tại của đội ngũ thầy cô giáo mà cho đến tận hôm nay, nửa thế kỷ đã trôi qua vẫn chưa thấy thay đổi được bao nhiêu.

Mấy năm trước, trong bài “Cải cách giáo dục – từ góc nhìn của người thầy”, người viết đã kể câu chuyện của chính bản thân và bè bạn, xin chép lại một đoạn: “Nghe tin tôi lên thành phố dạy học các bạn đón về nhà ăn cơm. Quen như thời sinh viên chúng tôi xưng hô mày tao. Tôi bảo “tao phấn đấu mãi mà chưa có được cái nhà bằng một nửa của chúng mày”. Bạn tôi cười buồn bảo: “cái gì cũng có cái giá của nó, mày về hưu người ta vẫn gọi mày là thày, chúng tao về hưu người ta gọi là thằng”. Tôi giật mình vì hai bạn tôi đều là người học giỏi và thành đạt, một là phó Ban Kinh tế tỉnh ủy, một là giám đốc sở Công nghiệp. Hóa ra để được gọi là “Thày” các thày cô phải chấp nhận thiệt thòi về vật chất vậy! [1]

Về mặt xã hội, cần nói thẳng với nhau rằng truyền thống hiếu học của người Việt – vốn là điều kiện quan trọng giúp nền giáo dục nước nhà đạt được những kết quả như hôm nay – đang có chiều hướng đi xuống nếu không nói là không còn ý nghĩa như động lực của sự phát triển giáo dục. Học sinh ngày nay đa số thích chơi, thích hưởng thụ chứ không thích học tập. Không khó để tìm thấy trong giờ học, các quán game gần trường vẫn đầy rẫy học sinh mặc đồng phục ngồi “thi tài” với nhau, có quán game 50 máy mà không còn chỗ trống.

Trong khi truyền thống hiếu học ngày càng xuống cấp thì không ít cơ quan truyền thông, kể cả truyền thông nhà nước lại không ngần ngại mỉa mai nghề dạy học và đội ngũ thầy cô giáo, cứ đến dịp 20/11 là xuất hiện hàng loạt bài với câu hỏi “mua gì tặng thầy cô giáo”, có tác giả lại tự trả lời, rằng phải kiếm các đặc sản “nhà quê”… Người viết còn nhớ các nghệ sĩ như Quang tèo, Giang còi  diễn tiểu phầm hài coi thầy giáo như kẻ ăn bám nhà vợ khi hai người rủ nhau đi học nghề thuốc. Việc VTV phát tiểu phẩm “Nhặt xương cho thầy” trùng với dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam năm 2014 chỉ là giọt nước tràn ly cho thấy sự xuống cấp về đạo lý và nghề nghiệp.

Kể các câu chuyện vừa hư, vừa thực để muốn nói đến câu chuyện hôm nay, chuyện vì sao một số gia đình phải cho con em học thêm, chuyện ngành Giáo dục “cấm” dạy thêm và chuyện “ném đá” của dư luận đối với việc học thêm, dạy thêm.

Quan điểm của người viết là dạy thêm không phải việc xấu. Các nhà máy, công trường đều có chuyện làm thêm giờ, tăng ca, giới nghệ sĩ “chạy sô” hết nơi này đến nơi khác, bác sĩ sau giờ làm việc khám bệnh tại nhà,… mục đích cuối cùng đều là tăng thêm thu nhập. Vậy cho nên việc “cấm” các thầy cô giáo dạy thêm chỉ là một sự bất đắc dĩ, lực bất tòng tâm, nó chẳng khác gì “không quản được thì cấm”.

Vấn đề là dù có bao nhiêu thông tư hay chỉ thị thì ngành Giáo dục có “cấm” được chuyện dạy thêm, học thêm không? Câu trả lời là không.

Không cấm được vì trong nền kinh tế thị trường, dù có định hướng xã hội chủ nghĩa đi chăng nữa thì vẫn phải tuân thủ quy luật cung cầu, có cầu ắt sẽ có cung. Nếu phụ huynh và con em họ không có nhu cầu học thêm thì việc dạy thêm sẽ không thể thực hiện. Tuy nhiên cần lưu ý nói “nhu cầu học thêm” khác hoàn toàn với  “bắt buộc phải học thêm”.

Cấm hay không cấm phải xuất phát từ thực tiễn: ai có thể dạy thêm và ai có nhu cầu hoặc bắt buộc phải học thêm?

Dạy thêm, học thêm chỉ xuất hiện ở các thành phố, thị xã, khu dân cư tập trung, nếu có dịp lên vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, vùng sông nước Nam Bộ sẽ thấy các thầy cô không phải chỉ có nhiệm vụ dạy chữ mà còn phải làm sao để học sinh không bỏ học. Học trò đi học đông đủ đã là hạnh phúc đối với các thầy cô giáo rồi. Trên địa bàn rộng lớn như vậy, dù muốn các thầy cô cũng không thể dạy thêm, vì vậy quy định “cấm” dạy thêm của Bộ GD&ĐT ở những khu vực này không có ý nghĩa thực tế. Một quy định không có ý nghĩa, không cần thiết trên một phần rộng lớn lãnh thổ quốc gia thì quy định để làm gì?

Lớp học nằm trên sườn núi với giữa mùa đông giá rét (Ảnh Vietnamnet)

Còn ở các khu tập trung dân cư, vì sao lại có chuyện học thêm, dạy thêm?

Chương trình đào tạo từ tiểu học đến đại học chứa đựng quá nhiều bất cập, vừa thừa vừa thiếu. Thừa kiến thức hàn lâm nhưng lại thiếu kiến thức cơ bản đặc biệt là kỹ năng sống. Ngày nay chẳng ai đi tính đạo hàm, tích phân bằng tay, chẳng ai tìm cách giải phương trình, hệ phương trình bằng bút và giấy… Trong khi đó muốn vào học các trường cao đẳng, đại học, kể cả một số trường trung cấp hay trường nghề đều phải thi. Kiến thức học được ở trường phổ thông nói chung là không đáp ứng đầy đủ cho những kỳ thi như vậy. Đó là nguyên nhân phải học thêm.

Việc nhồi nhét một cách ôm đồm nhiều kiến thức không cần thiết khiến cho quỹ thời gian trên lớp không đủ, giáo viên phải chạy lướt mới dạy hết nội dung sách giáo khoa chứ đừng nói đến mở rộng bài giảng. Một số môn không có trong danh mục thi bị học dồn, học ép cho kết thúc sớm hậu quả là trẻ không tiếp thu hết được ở trường, đó là nguyên nhân xuất hiện nhu cầu học thêm.

Các gia đình Việt ở thành phố ngày nay có xu hướng sống độc lập, con cái không còn hứng thú với cách sống ba, bốn thế hệ trong cùng một ngôi nhà. Cha mẹ đi làm về mệt mỏi không còn thời gian chú ý đến việc học hành của con cái, cho con học thêm, vừa để quản lý con, vừa có thời gian bố mẹ nghỉ ngơi cho ngày làm việc tiếp theo, đó là nguyên nhân cần cho con cái học thêm.

Trình độ đội ngũ giáo viên các cấp từ tiểu học đến đại học nói chung chưa đạt chuẩn, đặc biệt là đội ngũ giáo viên phổ thông. “Có bột mới gột nên hồ”,  suốt  sáu mươi năm qua ngành Sư phạm chỉ có thể tuyển chọn các học sinh trung bình, hoặc khá thì không thể đào tạo nên đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, đấy là chưa nói chính đội ngũ giáo viên các trường sư phạm phần lớn cũng được tuyển chọn từ đối tượng này.

Đội ngũ giáo viên yếu về chuyên môn có một phần là lỗi của chính những người chọn ngành Sư phạm song lỗi chính là ở chính sách đối với giáo dục. Nhiều người trở thành giáo viên bởi sự bất đắc dĩ do không thi đậu các trường khác, một số ra trường được nhận vào ngành bằng hàng trăm triệu đồng chạy chọt, hệ quả là có người “quyết tâm” thu lại chi phí bỏ ra bằng mọi cách, kể cả trái với lương tâm người thầy, đó là nguyên nhân của tình trang giáo viên bắt buộc học trò phải học thêm.

Dạy thêm chỉ có ba đối tượng, một là những người tâm huyết với nghề, dạy thêm không nhằm mục đích kiếm tiền mà là tình yêu đối với con trẻ, hai là những người thực sự có năng lực, được phụ huynh và học sinh tin tưởng và ba là những người “chọn nhầm” nghề, họ muốn làm giàu bằng nghề dạy học.

Với đối tượng thứ ba này, rõ ràng việc cấm họ dạy thêm là cần thiết. Bằng nhiều cách họ khiến phụ huynh buộc phải cho con em học thêm (tại một địa điểm nào đó chứ không nhất thiết tại nhà riêng). Kiến thức mà học sinh thu nhận được qua những buổi “học thêm” đó thực sự không đáng kể, nó chỉ dạy trẻ con thói không trung thực vì người dạy thêm sẽ cung cấp cho học trò các gợi ý về bài kiểm tra trên lớp nhằm đạt điểm cao hơn. Sự dối trá ở đây bắt nguồn từ thầy cô giáo chứ không phải từ học trò.

Những thầy cô giáo như vậy tuy không nhiều song cũng không phải là cá biệt, phụ huynh và truyền thông cần vạch mặt chỉ tên để buộc họ ra khỏi ngành sớm ngày nào hay ngày ấy.

Người ta gọi các cơ quan công quyền là cơ quan “quản lý” chứ không phải là cơ quan “cấm lý” vậy nên việc “quản” quan trọng hơn việc “cấm”. Tiếc rằng ngành Giáo dục hiện nay, đặc biệt là bộ phận Thanh tra giáo dục, đang bất lực với khá nhiều sai phạm xảy ra trong ngành.

Có thể một số phụ huynh rơi vào tình cảnh con em bị bắt buộc phải học thêm, gia đình nhận được những gợi ý rất “tế nhị”, ví dụ người viết đã nghe cháu nội về nhà kể rằng “cô giáo bảo về nhà nói với ba mẹ là dịp 20/11 phải đi học đầy đủ, không được nghỉ”… Sự bực dọc là có thể thông cảm nhưng xin đừng biến sự bực dọc ấy thành những “viên đá” bởi “mưa đá” chỉ làm vỡ thêm những tấm lợp vốn không bền vững gì trên mái nhà giáo dục.

Tạo cho các thầy cô giáo một cuộc sống không nghèo, tôn trọng các thầy cô một cách đúng mực và đòi hỏi các thầy cô hết mình vì sự nghiệp trồng người, đấy chính là những điều nên làm để loại bỏ dạy thêm, học thêm.

Về phía các thầy cô giáo tham gia dạy thêm cũng cần có nhận thức đúng về các quy định của Bộ GD&ĐT. Khi các văn bản pháp quy còn hiệu lực thì cần có sự tuân thủ nghiêm túc, đó là không dạy thêm các học sinh mà mình đang dạy trong trường, không tự mình đứng ra tổ chức dạy thêm mà chỉ tham gia dạy thông qua các tổ chức, cá nhân được pháp luật cho phép. Mặt khác cũng cần chú ý đến các quy định khác của luật pháp hiện hành như nộp thuế thu nhập cá nhân…

Những ai vẫn còn bức xúc xin cứ nói thẳng, nhưng xin đừng làm tổn thương các nhà giáo.

Theo Xuân Dương/Giáo dục Việt Nam

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments