Điểm yếu của sinh viên là ngộ nhận và ảo tưởng về bằng cấp
07 04, 2015 tuyensinh89
Một trong những điểm yếu quan trọng của một bộ phận sinh viên sau khi tốt nghiệp hiện nay là ảo tưởng, cho là mình rất giỏi, tự tin thái quá. Phần khá nhiều sinh viên còn lại chỉ là kiến thức trên sách vở, chưa xác định được mình thực sự muốn gì.
Nhiều sinh viên thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế, thiếu kỹ năng xử lý công việc nhưng lại không chịu lăn xả, học việc
Thiếu kỹ năng và “lười”
Tại hội thảo:“Việc làm của người học tốt nghiệp ĐHQG Hà Nội – Cơ hội và thách thức” vừa qua,Tiến sĩ Trần Thị Tuyết, trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH QGHN đã công bố một khảo sát về việc làm sinh viên ở 132 nhà tuyển dụng và 581 sinh viên từ tháng 11/2014 tới tháng 3/2015.
Qua khảo sát cho thấy, chỉ 30% nhà doanh nghiệp đánh giá tốt về kiến thức chuyên môn, 11% đánh giá tốt vể kỹ năng mềm, 2% đánh giá tốt về kinh nghiệm làm việc.
Bên cạnh đó, 68% sinh viên ra trường chỉ muốn làm công việc đúng chuyên môn được đào tạo trong trường, trong khi nhà tuyển dụng cho biết, có nhiều vị trí công việc cho cử nhân mới tốt nghiệp, không phân biệt chuyên ngành đào tạo.
25% sinh viên cho rằng họ sẵn sàng làm việc gì cũng được, chỉ cần thị trường có nhu cầu và họ thấy phù hợp. Đặc biệt, sinh viên còn ngộ nhận về khả năng tin học như các kỹ năng văn bản trong words, excel và kỹ năng chát chít hay sử dụng facebook, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu kiến thức xã hội.
TS Tuyết cho rằng: “Đa số nhà tuyển dụng được hỏi đều cho rằng vấn đề lớn nhất của sinh viên mới ra trường là sự ngộ nhận và ảo tưởng về khả năng, năng lực bản thân, về giá trị sức lao động, về bằng cấp, kiến thức… thái độ tiếp cận công việc ít làm hài lòng nhà tuyển dụng. Thậm chí nhiều sinh viên còn quá xa lạ với thực tế công việc, thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế, thiếu kỹ năng xử lý công việc nhưng lại không chịu lăn xả, học việc. Bên cạnh đó, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong việc còn hạn chế.
TS Tuyết nhận định: Sinh viên mới ra trường thường có rất nhiều hoài bão và thường mong muốn được làm ngay những công việc tốt, thú vị. Họ thường thất vọng sau một thời gian tốt nghiệp mà vẫn loay hoay với những công việc không đâu vào đâu. Đôi khi họ ngại bắt đầu từ những công việc tưởng chừng như đơn giản và nhàm chán.
Nhiều sinh viên học ở trường với thành tích tốt nên khi tham gia thị trường lao động cũng nghĩ rằng mình giỏi, nhưng trên thực tế kiến thức học ở trường chỉ là nền tảng bắt buộc phải có để phát triển các kỹ năng nghề nghiệp chứ không phải là yếu tố quyết định người lao động làm việc có tốt hay không.
Một số sinh viên khá năng động, đã đi làm thêm khi còn là sinh viên và có một số kỹ năng nhất định nhưng một số lại hơi ảo tưởng, cho là mình rất giỏi, tự tin thái quá. Phần khá nhiều sinh viên còn lại chỉ là kiến thức trên sách vở, chưa xác định được mình thực sự muốn gì, bị động trong khi phỏng vấn.
Thất nghiệp: Đào tạo không sát thực tế!
Số liệu Bộ LĐ- TB-XH và Tổng cục thống kê công bố cuối năm 2013, cả nước có tới 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ . GS. TSKH Nguyễn Minh Đường – Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho biết: “có 3 sai lầm dẫn đến cử nhân thất nghiệp là nhà trường chạy theo lợi nhuận, không biết về nhu cầu; nhà nước đầu tư không cân đối, không sát thực tế ngành nghề đào tạo; mất cân đối nguồn nhân lực”.
TS Sái Công Hồng, Trung tâm khảo thí – Viện đảm bảo chất lượng giáo dục – ĐH QGHN cho hay: “Chỉ có 30% doanh nghiệp tuyển được người phù hợp trong các ngày hội việc làm và các doanh nghiệp chỉ tuyển được 60% chỉ tiêu đề ra. Các doanh nghiệp uy tín có khi hàng năm không tìm được người phù hợp vào các vị trí quan trọng trong đơn vị. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm lên đến hàng chục ngàn người. Dường như đã có một khoảng cách khá xa giữa chương trình đào tạo ở các trường đại học và nhu cầu đặt ra từ thực tế của các doanh nghiệp, cơ quan”.
Mới đây, ĐH QGHN khảo sát trên 273 nhà sử dụng lao động thuộc các lĩnh vực hoạt động khác nhau, trong đó tập trung vào 7 lĩnh vực hoạt động về giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, công nghệ thông tin, luật, báo chí truyền thông, kỹ thuật, thương mại thì được đánh giá cao, trên 50% sinh viên tốt nghiệp ĐH QGHN giữ nhiệm vụ cao như quản lý, trợ lý trong các tổ chức. Tuy nhiên, có gần 40% sinh viên tốt nghiệp được nhà tuyển dụng bố trí vào vị trí phụ việc và việc khác. Điều này có nghĩa là gần 1/ 2 sinh viên tốt nghiệp sau khi được được tuyển dụng vẫn chưa có công việc ổn định và vị trí đáng mơ ước.
TS Sái Minh Hồng cho rằng, chương trình đào tạo được xem là “xương sống” của một ngành đào tạo. Chính vì thế, việc đảm bảo chương trình đào tạo có chất lượng là vấn đề mang tính khoa học và cấp thiết. Bất kỳ một chương trình đào tạo nào cũng phải thực hiện đảm bảo mục tiêu đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế xã hội.
Kỹ năng mềm nên trở thành một môn học bắt buộc
Một minh chứng mà Thứ trưởng Bộ Tư Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hiền đưa ra tại hội thảo về vấn đề thiếu kỹ năng mềm không chỉ của sinh viên mà cả cán bộ công chức hiện nay dẫn đến hậu quả rất lớn là ở Bộ Tư pháp nói riêng và các cơ quan làm nhiệm vụ xây dựng pháp luật đang còn hiện tượng “làm luật trong phòng lạnh” dẫn đến một số chính sách, quy định của pháp luật đưa ra chưa phù hợp với thực tiễn và bị phản ứng từ các đối tượng thụ hưởng chính sách. Ví dụ như quy định trong thời gian qua như bán thịt 8 giờ sau khi mổ, ngực lép không được lái xe… nguyên nhân của hiện tượng này là do một bộ phận công chức làm việc thuần túy về pháp luật, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn.
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, đây là cũng thách thức lớn đối với những sinh viên mới tốt nghiệp được tuyển dụng vào Bộ Tư pháp khi mà chương trình đào tạo hiện nay chưa chú trọng nhiều về đào tạo kỹ năng. Bản thân sinh viên chưa có thời gian trải nghiệm thực tiễn, vì vậy, nếu không nêu cao tinh thần tự giác học tập, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn sẽ khó thích nghi được với yêu cầu công việc.
PGS.TS Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm dự báo và phát triển nguồn nhân lực – ĐH QGHN cho biết: “Không phải tất cả các cá nhân có bằng cấp chuyên môn như nhau thì sẽ có các kỹ năng mềm giống nhau. Kỹ năng mềm cũng không mang tính bẩm sinh mà được hình thành và phát triển quá quá trình học, rèn luyện của cá nhân. Mức độ hoàn thiện của kỹ năng mềm của các cá nhân là khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố như khả năng nhận thức, sự nỗ lực rèn luyện, môi trường giáo dục, môi trường làm việc, môi trường xã hội và các yếu tố khác.
Kỹ năng mềm rất phong phú. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một người lao động cần có những kỹ năng cơ bản là kỹ năng giao tiếp, sự năng nổ và thái độ tích cực; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng phát triển mạng lưới; kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng chủ động trong công việc và tính chuyên nghiệp..
Hiện nay, ĐH QGHN là cơ sở đào tạo đi đầu trong việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Tuy nhiên, hình thức đào tạo kỹ năng mềm chủ yếu hình thức đào tạo online. PGS.TS Lê Thị Thu Thủy kiến nghị: “ĐH QGHN cần tiếp tục phát triển các khóa, chương tình đào tạo kỹ năng mềm từ mức cơ bản đến chuyên biệt cho sinh viên. Cần xem xét đưa việc nghiên cứu môn học “Kỹ năng công sở” hoặc “Kỹ năng văn phòng” là một môn học theo tín chỉ mang tính bắt buộc trong chương trình giảng dạy ĐH chính quy.
Theo Dân Trí
>>>Xem thêm: học trung cấp