Hà Nội: Nhiều phương án tuyển sinh lớp 6, phụ huynh như lạc vào “ma trận”

Hà Nội: Nhiều phương án tuyển sinh lớp 6, phụ huynh như lạc vào “ma trận”

15 04, 2015 tuyensinh89

Xét điểm học bạ, đo chỉ số EQ, IQ, ưu tiên “suất” học sinh giỏi các cấp hay tổ chức các hoạt động trải nghiệm trí tuệ… để tuyển sinh vào lớp 6 ở Hà Nội đã làm nhiều phụ huynh và học sinh như đang lạc vào “ma trận”.

Nhiều phụ huynh mong muốn sẽ có cách thức tuyển sinh lớp 6 thống nhất giữa các trường.

“Ma trận” tuyển sinh

Tại Hà Nội, các trường “nóng” nhất đều đã có được phương án tuyển sinh cho mình, theo thầy Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THCS Lương Thế Vinh, phương án của nhà trường là không thi tuyển mà sẽ tổ chức khảo sát học sinh bằng 25-30 câu hỏi. 

Theo giải thích của PGS Văn Như Cương, mẫu câu hỏi của khảo sát này có thể hình dung đơn giản giống như mẫu và hệ thống câu hỏi ở chương trình “Ai là triệu phú”, ban đầu sẽ là những câu hỏi dễ nhất, sau đó sẽ nâng dần độ khó ở những câu hỏi sau.

Trường Marie Curie và THCS Nguyễn Tất Thành cho biết phương án tuyển sinh lớp 6 của trường được thực hiện theo phương thức, học sinh thực hiện 60 phút trắc nghiệm chỉ số trí tuệ (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ). Cấu trúc cụ thể: IQ: 60 câu/45 phút; EQ: 30 câu/15 phút. Ngoài ra, trường xem thêm kết quả học tập 3 năm cuối tiểu học để xét tuyển sinh vào lớp 6.

Hay như Trường THCS Nguyễn Siêu, việc tuyển sinh sẽ thông qua việc tổ chức ngày trải nghiệm cho học sinh tham gia hoạt động tập thể, nhóm, cá nhân để thầy cô quan sát, đánh giá được hành vi, kỹ năng, thái độ của trẻ. Thực hiện phương án đo chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc) và chỉ số vượt khó để chọn học sinh.

Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đến ngày 16/4, Sở sẽ yêu cầu các trường THCS chốt phương án tuyển sinh vào lớp 6 để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền xem xét.

Cũng theo ông Đại, để có phương án tuyển sinh khả thi, hiệu quả, an toàn trên toàn thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ mời các nhà khoa học, các nhà giáo, quản lý giáo dục đánh giá cũng như dư luận xã hội đóng góp ý kiến.

Phụ huynh hoang mang

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Dân Trí, chị Ngọc Mai (ở Đống Đa, Hà Nội) lo lắng cho hay: “Tôi dự định từ lâu khi lên cấp 2 sẽ cho con trai thi vào trường THCS Amsterdam nên đã tốn nhiều công sức ôn luyện. Qua nhiều lần làm bài thi thử cháu đạt kết quả tốt nên ra đình rất yên tâm. Tuy nhiên, năm nay cách thi tuyển không giống như mọi năm nên không riêng bản thân cháu mà cả gia đình cũng không tự tin về việc con mình sẽ đỗ”.

Chị Ngọc Mai cũng bày tỏ sự tiếc nuối công sức bổ sung các kiến thức cho con qua các môn như Anh văn, Toán để thi vào trường mà nay lại không được vận dụng và cũng chưa biết cách tuyển sinh mới của trường con chị có vượt qua được hay không.

Tương tự như chị Mai, chị Nguyễn Thị Yến ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), có con trai đang học lớp 5 mong muốn được vào học tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Từ cuối năm con học lớp 3, tôi đã cho cháu đi học thêm 2 buổi/tuần với chi phí 250.000 đồng/buổi. Ròng rã suốt mấy năm đến bây giờ trường lại không thi tuyển sinh mà chỉ thực hiện trắc nghiệm, đánh giá kỹ năng, chỉ số cảm xúc nên gia đình khá lo lắng và hoang mang”.

Chị Yến cũng chia sẻ thêm rằng, việc Sở giáo dục đề ra quy định cấm các trường tổ chức thi tuyển vào lớp 6 sẽ giải quyết được vấn đề “chạy trường” hay áp lực sĩ số học sinh tại các lớp, tuy nhiên với những trường chuyên, việc lựa chọn đại trà theo phương pháp này sẽ không lựa chọn được học sinh tốt nhất cho chính các trường.

Anh Phạm Văn Thắng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con muốn vào học tại trường THCS Marie Curie tỏ ra đồng tình với việc bỏ tổ chức thi tuyển vào lớp 6 nhưng cho biết: “Việc bỏ thi đầu vào các môn văn hóa đối với học sinh lớp 6 là cần thiết nhưng nhà quản lý nên thống nhất phương án tuyển sinh thay thế không nên để mỗi trường tự đề ra một kiểu sẽ gây lo lắng và khó khăn cho học sinh lẫn phụ huynh”.

“Nhiều ngày qua khi theo dõi thông tin về các đề xuất của các trường thì phương án của thầy Văn Như Cương đưa ra hệ thống 25-30 câu hỏi để khảo sát năng lực học sinh là rất khoa học”, anh Thắng nói.

Qua khảo sát của phóng viên, nhiều phụ huynh tỏ ra đồng tình với anh Thắng vì cho rằng nên có một phương án lựa chọn học sinh chung cho các trường để dù học sinh có muốn theo học ở trường nào cũng có thể dễ dàng nắm bắt cách thức.

Theo Dân Trí

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments