Không ngừng học hỏi là con đường dẫn đến thành công
14 05, 2015 tuyensinh89
Việc học là việc cả đời của mỗi con người. Nói vậy quả cũng không có gì sai. Dù bạn học đại học, học cao đẳng, học trung cấp thì tốt nghiệp bạn cũng chỉ với mục đích là đi làm để xây dựng sự nghiệp, thậm chí sau này có làm ông chủ hay chỉ là người công nhân thì bạn vẫn cần phải học hỏi trong cuộc sống, trong công việc. Tất cả những điều đó đều chỉ có một mục đích duy nhất là để xem bạn tạo ra được giá trị gì cho công việc, cho cuộc sống.
Thật vậy, với mỗi học sinh khi rời ghế nhà trường phổ thông thì cũng là lúc các bạn bắt đầu cho việc khẳng định giá trị bản thân mình trong cuộc sống, cùng với đó là muôn vàn những con đường đi khác nhau mà các bạn có thể lựa chọn để thể hiện bản thân mình: có người sẽ tiếp tục với con đường đại học, có người theo con đường học cao đẳng, có bạn nữ lại chọn học trung cấp mầm non để có thể đi làm sau một thời gian học tập ngắn hơn so với 4 đến 5 năm học đại học, có bạn lại chọn việc đi làm ngay hoặc bước vào kinh doanh để có thể mau chóng ổn định… Nói vậy để thấy con người ai cũng có những mục tiêu cuộc sống riêng, có lựa chọn ra sao, vì mục đích gì thì cái đích hướng tới chính là sự thành công nghề nghiệp, là cuộc sống tương lai, là khát khao thể hiện, khẳng định bản thân. Nhưng để có được những điều đó thì ai cũng phải học, học ở đây không chỉ là đi học, học từ sách vở mà còn là sự học hỏi từ thực tế cuộc sống, học những bài học kinh nghiệm của những người thành công để áp dụng cái hợp lý và mang lại thành công cho mỗi người.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tìm được con đường đúng hay có được sự định hướng nghề nghiệp chính xác cho bản thân mình từ khi còn trẻ. Có người bằng mọi giá ép buộc bản thân phải theo con đường đại học và tin rằng chỉ có nó mới đem lại thành công, nhưng chỉ đến khi bước ra cuộc sống mới thấy nó không hẳn giống như những gì sách vở đã dạy, đã nói về nó, đến lúc ấy mới nói “giá như” thì cũng khá muộn rồi… Đối lập lại, không ít người đã thành công vì có sự nhìn nhận, đánh giá đúng năng lực, điều kiện kinh tế để tiến những bước vững chắc trên con đường công danh. Như anh bạn tôi đây, tốt nghiệp THPT, do điều kiện gia đình khó khăn nên anh ấy đã chọn đi học trung cấp kế toán để sau 1 năm rưỡi ra trường có thể nhanh chóng đi làm tự nuôi sống bản thân, đỡ gánh nặng kinh tế cho gia đình. Cứ tiến từng bước như vậy, sau khi ổn định, anh ấy đã đi học một khóa liên thông đại học thương mại ngành kế toán để nâng cao trình độ và lấy tấm bằng đại học, sau này cùng với những kinh nghiệm tích lũy được trong công việc đã giúp cho con đường thăng tiến của anh rộng mở hơn rất nhiều. Anh có chia sẻ với tôi, bây giờ ở nước ta các doanh nghiệp đã không còn quá chú trọng vào tấm bằng khi tuyển dụng nhân viên, chỉ những người đã có kinh nghiệm (có bằng cấp cao thì càng có lợi thế) mới là những ứng viên có khả năng được nhận vì họ rất sợ tuyển một cử nhân với mức lương khá nhưng lại không làm được việc, so với việc tuyển được người có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc.
Đúc kết lại, chúng ta có thể thấy được rằng việc học với mỗi con người luôn có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ học trên ghế nhà trường mà phải học cả từ cuộc sống. Bạn chỉ có được thành công khi không ngừng học hỏi và tiếp thu những cái tiến bộ, những cái mới và biến đổi nó thành kiến thức, kinh nghiệm bản thân. Đó mới là con đường thành công bền vững nhất.