Liên thông đại học và những thay đổi trong năm 2015
27 03, 2015 tuyensinh89
Tấm bằng đại học luôn là ước mơ của bất kỳ bạn học sinh nào. Nhưng, thi vào đại học thì không phải ai cũng làm được. Rất nhiều bạn đã chọn con đường dài hơn đó là liên thông đại học để mong muốn hoàn thành ước mơ của mình. Trải qua gần 10 năm, thì loại hình này cũng đã có rất nhiều thay đổi để phù hợp hơn và nhận được sự quan tâm rất lớn của học sinh sinh viên cũng như toàn xã hội.
Hàng năm, khi các thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, tiếp đến là kỳ thi đại học để tạo ra bước ngoặt quan trọng của đời mình thì cũng là lúc những bạn trẻ đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng cũng bắt đầu chuẩn bị cho những kỳ thi liên thông lên đại học với ước muốn có được tấm bằng đại học mà trước đây họ chưa đạt được, có thể cũng vì những mục đích khác nhau như nâng cao trình độ, kiến thức để kiếm việc làm ổn định hơn, hoặc để được nâng lương, thăng tiến hơn trong sự nghiệp đối với những người đã đi làm.
Chương trình đào tạo liên thông đại học xuất hiện từ năm 2006 sau khi được Bộ Giáo dục & Đào tạo phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu muốn nâng cao trình độ kiến thức của những người đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng muốn học lên đại học. Tuy nhiên, trong những năm đầu thì loại hình này cũng đã bộc lộ nhiều điểm yếu, nhiều điểm bất cập trong công tác đào tạo về chất lượng cũng như khâu tuyển sinh đào vào của nhiều trường quá dễ dàng hoặc chưa minh bạch. Để chấn chỉnh và đưa loại hình này đến chất lượng cao hơn thì tháng 2/2013, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 55 với nhiều điểm thay đổi, trong đó có quy định về tuyển sinh như: thí sinh có nhu cầu liên thông phải trải qua kì thi tuyển sinh đại học nếu bằng tốt nghiệp của bạn chưa đủ 36 tháng kể từ ngày nhận bằng cho đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Trường hợp bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng của bạn đủ 36 tháng thì sẽ phải thi tuyển 3 môn theo quy định tuyển sinh liên thông từng ngành học. Điều này cũng đã gây ra không ít khó khăn cho những người thực sự muốn và có nhu cầu học liên thông thực sự.
Năm 2015, với những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và lấy điểm để xét tuyển đại học thì những quy định về loại hình liên thông cũng đòi hỏi phải có sự thay đổi theo để cho phù hợp và có thể giải đáp được những khúc mắc trong khâu tuyển sinh với những người muốn theo học loại hình này. Ngày 18/3/2015, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều trong quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học. Trong đó có những quy định về việc thí sinh tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng chưa đủ 36 tháng có thể thi liên thông ngay bằng 2 hình thức là thi tuyển và xét tuyển, cụ thể như sau:
“Điều 9. Tuyển sinh
Tuyển sinh liên thông có thể được thực hiện bằng các phương thức sau:
1. Thi tuyển:
a) Trường tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển. Các môn thi tuyển gồm: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề và phải thông báo công khai trong thông báo tuyển sinh của trường;
b) Trường xây dựng và ban hành Quy chế tuyển sinh liên thông. Quy chế của trường không được trái với Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy đối với liên thông chính quy và Quy chế tuyển sinh hệ vừa làm vừa học đối với liên thông vừa làm vừa học.
2. Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia của thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường đại học chủ trì:
a) Trường công bố tổ hợp các môn xét tuyển vào các ngành tương ứng;
b) Không được xét tuyển những thí sinh có kết quả thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
3. Những trường hợp sau đây được xét tuyển thẳng vào học liên thông trình độ cao đẳng:
a) Người có bằng trung cấp loại giỏi trở lên hoặc người có bằng trung cấp loại khá nhưng đã có ít nhất 02 năm làm việc theo ngành hoặc nghề đã được đào tạo, có trình độ văn hóa đáp ứng qui định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này được tuyển thẳng vào cùng ngành ở trình độ cao đẳng;
b) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và đoạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia, có trình độ văn hóa đáp ứng qui định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đoạt giải.
4. Xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển:
Việc xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học được thực hiện tương ứng theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và vừa làm vừa học hiện hành.”
Dự thảo này ra đời đã được sự đón nhận của không chỉ từ các nhà quản lý giáo dục mà còn được người học ủng hộ tích cực. Bạn Nguyễn Phương Thảo (ở Vĩnh Phúc, tốt nghiệp trung cấp kế toán năm 2014) chia sẻ:”trước đây khi học trung cấp, em đã có dự định khi tốt nghiệp sẽ học liên thông lên thẳng đại học và sau đó hy vọng sẽ kiếm được một công việc ổn định hơn hoặc có thể thi công chức vào một đơn vị hành chính nào đó, nhưng theo quy định của Thông tư 55 thì em lại chưa đủ điều kiện tham dự kỳ thi mà do trường ĐH tự tổ chức, còn nếu phải tham dự kỳ thi đại học chung thì kiến thức của em đã bị hổng quá nhiều. Gần đây, khi nghe tin về việc công bố dự thảo Thông tư sửa đổi em đã rất vui mừng và sắp tới chắc chắn em sẽ đăng ký tham dự kỳ thi liên thông đại học thương mại 2015 ngành kế toán để hoàn thành ước mơ của mình.”