Người phụ nữ với nghề giáo viên mầm non: vừa làm cô vừa làm mẹ
12 03, 2015 tuyensinh89
Với một công việc phải cần sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng, tinh tế như giáo viên mầm non thì chỉ những người phụ nữ với sự khéo léo, dịu dàng, kiên nhẫn thì mới thích hợp với công việc cần “dỗ” nhiều hơn “dạy” này.
Với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là nữ giới khi lựa chọn theo học trung cấp mầm non hoặc cao hơn, thì có một lý do thường thấy nhất đó là kiếm cho bản thân một công việc ổn định, đồng thời có nhiều thời gian chăm lo quán xuyến gia đình, dạy dỗ, giáo dục con cái sau này. Sự lựa chọn này đơn giản cũng chỉ xuất phát từ những quan niệm từ xưa đến nay như: con gái chỉ cần có một công việc ổn định, sau 8 tiếng đi làm trở về chăm lo gia đình chứ không nhất thiết phải là công việc có thể kiếm được nhiều tiền.
Nếu bạn đã từng tiếp xúc và nghe những chuyện tâm sự về nghề của những giáo viên có thâm niên, bạn sẽ cảm nhận được ở họ một sự lạc quan, một lòng yêu thương với nghề được coi là của những người trồng măng non cho đất nước.
Điều khiến mọi người nể phục nhất đó là họ chưa bao giờ cảm thấy chán nản dù khó khăn nhất là áp lực với phụ huynh của trẻ lúc nào cũng thường trực. Để vượt qua những áp lực đó, thì chị Thủy (một giáo viên mầm non có thâm niên 20 năm trong nghề ở Hoàn Kiếm – Hà Nội ) cho rằng cách tốt nhất là các chị phải đặt mình vào địa vị của những ông bố bà mẹ mang con đến lớp, hiểu tâm lý của họ để bình tĩnh xử lý các tình huống khi trẻ quấy khóc không chịu vào lớp hay va chạm giữa các trẻ, từ đó tạo lòng tin với các phụ huynh để họ yên tâm khi đưa con tới trường, để các trẻ có được cảm giác yêu thương như ở nhà.
Nghề sư phạm mầm non là nghề vất vả và có lẽ phù hợp với phụ nữ hơn nam giới. Chính sự khéo léo, dịu dàng, kiên nhẫn của người phụ nữ khiến họ thích hợp với công việc cần “dỗ” nhiều hơn “dạy” này.
Các em bé lần đầu tiên trong đời bước ra khỏi ngôi nhà thân quen để hòa nhập với môi trường mới rất cần sự dịu dàng, tình cảm của cô giáo giúp các trẻ vượt qua những bỡ ngỡ thậm chí sợ hãi bước đầu để khám phá, làm quen với những điều mới lạ, trẻ sẽ thích đến trường khi chúng cảm nhận được sự gần gũi, bao dung, che chở từ cô giáo – những người được coi như “người mẹ thứ hai” của bé. Nếu không yêu trẻ bằng tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con của mình, sẽ khó có thể làm được nghề này. Một công việc phải cần sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng, tinh tế như vậy nam giới chắc khó có thể làm tròn vai”.
Cũng theo chị Thủy, kinh nghiệm dạy dỗ trẻ không tự dưng mà có. Nếu không có được tình yêu với nghề, với trẻ, một tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, giáo viên mầm non khó có thể hết mình với công việc. Nhất là với những bạn trẻ chỉ mới tốt nghiệp trung cấp mầm non với tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ như hiện nay.
Cô giáo mầm non cũng giống như người mẹ trong gia đình phải luôn là tấm gương cho con cái noi theo, góp phần định hướng nhân cách của trẻ. Những lời khuyên chân thành, những giải thích kiên nhẫn hay quát mắng trước những lỗi lầm của trẻ có thể ảnh hưởng đến chúng cả cuộc đời. Chính sự nhạy cảm của người phụ nữ sẽ mách bảo các cô giáo để có những ứng xử chuẩn mực trước con trẻ.
Các giáo viên mầm non đều được học các kỹ năng, nghiệp vụ qua các khóa đào tạo về sư phạm mầm non hoặc là văn bằng 2 mầm non nhưng ai cũng có phương pháp riêng, cách dạy dỗ bé này không thể áp dụng cho bé khác, nhiều trường hợp không thể áp dụng những cách xử lý thông thường”. Chỉ khi có được tình yêu thương và lòng tin của trẻ thì các cô mới chỉ được cho chúng đâu là việc làm sai, làm đúng. Sự trùng vai giữa người mẹ và cô giáo có thể giải thích lý do không chỉ ngày xưa mà thế hệ nam giới ngày nay nhiều người vẫn giữ quan điểm chọn vợ làm nghề giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.
Bằng bản năng của người phụ nữ, họ biết cân bằng cuộc sống để đảm nhiệm thiên chức làm vợ, làm mẹ. Để làm gương cho con trẻ, họ phải giữ cho mình một lối sống chuẩn mực, được xã hội trân trọng.
Với những người làm nghề này, không có món quà nào quý giá bằng các bé khỏe mạnh, đến trường đầy đủ, vui vẻ; khi về nhà được những người thân yêu quý, hãnh diện về mình.