Thực tế và giải pháp để các trường mầm non ngoài công lập hoạt động hiệu quả
02 04, 2015 tuyensinh89
Trong những năm gần đây, sự phát triển rộng khắp của mạng lưới các trường mầm non công lập, ngoài công lập đã phần nào giải tỏa được áp lực thiếu hụt trầm trọng về trường lớp cho trẻ em. Tuy nhiên, cũng có một mặt trái đi kèm là sự xuất hiện của các cơ sở tư thục trái phép gây nên sự lo lắng, bức xúc của toàn xã hội.
Thực tế có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở tư thục này tập trung ở một số tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu đông dân cư như Bình Dương, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… Nhìn chung, cơ sở vật chất của các trường, nhóm lớp MNÐLTT được cấp phép đã bảo đảm các điều kiện theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh gửi con, Ở đây, trẻ em đều được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ, được tiêm chủng, khám sức khỏe đúng định kỳ và học hai buổi/ngày…
Tuy nhiên, việc quản lý quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập này cũng gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là ở các cơ sở chưa được cấp phép. Mặc dù hàng năm các trường mầm non công lập, kể cả trường mầm non NCL tuy tăng về số lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con của các gia đình nên các nhóm lớp tự phát vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Các cơ sở tự phát này đa phần được cải tạo từ nhà ở của các gia đình nên rất thiếu diện tích, các trang thiết bị an toàn và đồ chơi cho trẻ, rất dễ xảy ra tai nạn ngoài ý muốn. Nhưng đáng lo hơn cả chính là vệ sinh an toàn thực phẩm và trình độ của phần lớn người trông trẻ chưa từng được đào tạo qua các lớp học trung cấp mầm non và cao hơn .
Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD và ÐT, tính đến đầu năm 2014, trong số hơn 16 nghìn nhóm lớp có khoảng 2/3 số cơ sở MNÐLTT hoạt động được cấp phép, còn lại là chưa được cấp phép. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở này không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, vướng mắc về thủ tục thuê địa điểm, trình độ giáo viên hạn chế về nghiệp vụ sư phạm mầm non, không ổn định về số lượng.
Thực tế cho thấy, để các trường, nhóm lớp mầm non tư thục hoạt động đạt hiệu quả như mong muốn, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Có thể áp dụng một số giải pháp như: đề cao vai trò của tổ trưởng dân phố, hội phụ nữ trong cộng đồng dân cư để kịp thời phát hiện các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục hình thành tự phát trên địa bàn và có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Hoặc là có thể nhờ những trường mầm non công lập giúp đỡ bằng cách chia sẽ những kinh nghiệm quản lý, những giáo án, phương pháp chăm sóc trẻ phù hợp,…
Ðể các cơ sở mầm non ngoài công lập hoạt động có hiệu quả, các chuyên gia giáo dục cho rằng khi xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất cần có quy định việc quy hoạch và xây dựng các trường mầm non đi kèm để bảo đảm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân lao động. Việc tăng cường công tác quản lý nhóm lớp mầm non tư thục đang được đặt ra không chỉ cho ngành GD và ÐT, mà còn cần có sự vào cuộc của các cơ quan liên quan. Đó là sự thường xuyên rà soát, kiểm tra các cơ sở mầm non trên địa bàn, kịp thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến các tổ dân phố về các nhóm, lớp tư thục đã được cấp phép, chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động trên địa bàn để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm và kiên quyết đình chỉ các cơ sở không bảo đảm các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Nguồn: internet