Vẫn còn cơ hội để kỳ thi quốc gia bình thường, an toàn và nghiêm túc

Vẫn còn cơ hội để kỳ thi quốc gia bình thường, an toàn và nghiêm túc

20 03, 2015 tuyensinh89

Dù cuộc thi diễn ra ở đâu thì cơ sở vật chất phải đáp ứng tuyệt đối yêu cầu về an ninh, kỷ luật trường thi, đó là nhiệm vụ quốc gia của chính quyền địa phương.

Những hội nghị – hội thảo diễn ra trong thời gian gần đây về giáo dục đã tạo sự chú ý cao độ đối với người dân cả nước. Đặc biệt hiện nay các trường học đã sắp kết thúc năm học, thầy cô giáo và học sinh đang chờ những tác động từ các chủ trương đặt nền tảng cho chiến lược “ Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…”. 

Bên cạnh những việc lâu dài có cái trước mắt được mọi người rất quan tâm là một kỳ thi quốc gia đã tượng hình, để trở nên hiện thực và diễn ra đúng lộ trình cần rất nhiều những giải pháp khả thi không gây sốc, tạo giai đoạn chuyển tiếp êm ả sẽ là tiền đề quan trọng cho toàn bộ công trình tiếp theo.

Khi Bộ đề ra chủ trương để các trường ĐH-CĐ chủ trì kỳ thi quốc gia nhằm xét tốt nghiệp THPT và tuyển vào ĐH-CĐ, có lẽ nhằm củng cố độ tin cậy cho các nhà trường này, đó là việc không bình thường ! 

Vì sự thực là học sinh tham dự kỳ thi vẫn còn nằm trong hệ thống quản lý giáo dục phổ thông về cả tâm lý – sinh lý – vật lý. Vậy thì không ai làm thay được việc kiểm tra định chuẩn để tiến cử họ vào thị trường lao động và môi trường học tập mới, ngoài lực lượng nhân sự thuộc hệ thống giáo dục phổ thông!

Ngoài ra về mặt phân nhiệm thì không ai sẽ là chủ thể của lực lượng thí sinh này cả: Kết thúc năm học 12 các trường THPT phủi tay, các trường ĐH-CĐ đi làm công việc không phải và chưa phải của họ với tâm trạng hờ hững!

Nên tổ chức kỳ thi quốc gia “hai chung”: Bình thường, an toàn và nghiêm túc!

Bình thường: Hãy để cho cuộc thi diễn ra theo truyền thống lâu nay, phát huy những tích cực của kỳ thi vừa qua. Cuộc thi là cuộc kiểm tra kiến thức và năng lực cá nhân trên quy mô rộng với thể thức và danh xưng quốc gia. 

Thi theo cụm nhằm thuận lợi cho việc tổ chức trường thi, nhưng linh hoạt để học sinh không phải di chuyển quá xa. Chứ không nên đặt ra qui định học sinh không dự tuyển vào ĐH-CĐ thì thi riêng, như vậy là không bình đẳng.

An toàn: Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh yên tâm học tập chuẩn bị thi – vững vàng tâm lý dự thi. Đề thi ra theo hướng mở nằm trong chương trình chứ không nhất thiết trong sách giáo khoa là quan điểm tiến bộ. 

Vậy thì phải có hướng dẫn kịp thời để thầy biết phải dạy và ôn tập như thế nào, trò cần học như thế nào nhằm thể hiện được năng lực cảm thụ và vận dụng kiến thức qua bài thi. Chứ không dạy nghiêng, học lệch chỉ giải quyết kiểu tủ hoặc đánh đố. 

Dù cuộc thi diễn ra ở đâu thì cơ sở vật chất vẫn phải đáp ứng tuyệt đối yêu cầu về an ninh và kỷ luật trường thi, đó là nhiệm vụ quốc gia của chính quyền địa phương.

Nghiêm túc: Đây là chủ đề khó, vì đã diễn ra nhiều mùa thi có nhiều sự việc không nghiêm túc xảy ra trong quá khứ dài. Thi theo tỉnh tổ chức như lâu nay với lực lượng thầy cô giáo coi thi loanh quanh trên địa bàn hẹp đã quá quen biết nhau! Thanh tra cắm chốt của sở cũng là những người đã quen biết nhau chỉ làm phình to biên chế của từng hội đồng coi thi. 

Những đoàn thanh tra ủy quyền của bộ trong mùa thi trước đây mấy năm thực ra chỉ “Cưỡi ngựa xem hoa”, vì công việc và đối tượng mà họ tiếp xúc không nằm trong hệ thống thuộc họ, bởi vậy hoặc họ lúng túng trong cách giải quyết sự vụ hoặc họ chỉ đi qua cho hết thời gian công vụ mà không đụng tới sân việc của người khác! 

Tốt nhất bộ GD-ĐT nên bổ nhiệm khung lãnh đạo HỘI ĐỒNG KHẢO THÍ đặt tại mỗi tỉnh do các giám đốc sở làm chủ tịch và chuyển tỉnh, hội đồng này được ủy quyền thực hiện coi thi và chấm thi. Các sở GD-ĐT cung ứng nhân sự để bộ điều động chuyển tỉnh phục vụ cho mọi việc diễn ra trong quá trình coi thi chấm thi. 

Một lực lượng con người từ tỉnh này đến tỉnh khác làm việc chắc chắn sẽ khách quan và đầy trách nhiệm hơn, trong việc điều hành và thực hiện nhiệm vụ của một hội đồng khảo thí uy nghi với tầm vóc quốc gia. Một việc khác rất tế nhị là: Khuyến cáo hủy bỏ các tiệc tùng tiếp đón hội đồng coi thi do các ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc chính quyền địa phương tổ chức. Tăng công tác phí bảo đảm quyền lợi tài chính cho mọi nhân sự lãnh đạo và giáo viên thực hiện công vụ, nghiêm cấm việc thu tiền học sinh chi cho các việc bồi dưỡng.

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT mới đến phần việc của người muốn đi học chọn trường đăng kí học. Tiếp theo mới là việc của các trường ĐH-CĐ, sẽ xét tuyển hoặc sơ khảo rồi thi tuyển sinh viên nhập học hoàn toàn phụ thuộc vào mục tiêu, năng lực đào tạo và quy chế tự chủ của mỗi nhà trường. 

Tóm lại hãy để hệ thống giáo dục phổ thông thực hiện hoàn chỉnh công đoạn cuối cùng của việc kiểm tra định chuẩn và xét xong tốt nghiệp bậc học cho học sinh. Sau khi những con người trẻ ấy đã vượt “Vũ môn”  thì bậc giáo dục ĐH-CĐ mới vào cuộc làm phần việc thuộc mình. 

Đừng kết nối kiểu lấn sân như vậy thì cuối cùng không ai là chủ thể của những phân khúc trong toàn phần công việc. Một khi xã hội tiếp xúc quá lâu với những bất thường đã trở nên bình thường và tạo ra quán tính, thì mọi thay đổi là bất thường.

Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu giải pháp thực hiện sao cho bảo đảm được nhiệm vụ phát triển giáo dục quốc gia và yên lòng người dân. Phát triển phải tôn trọng quy luật tự nhiên. Sáng tạo nhưng không thể cá biệt. Cẩn trọng khác với hòai nghi. Đó chính là tiêu chí để tạo nên đồng thuận.

Theo giaoducvietnam.vn

0979.86.86.59

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments